Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường

……………………………………

Hiện đã được cập nhật lên phiên bản 2023. Chi tiết xem tại đây:

https://geology.hus.vnu.edu.vn/tuyensinh/qltn/

……………………………………

Mã xét tuyển: QHT20

1. Giới thiệu chung

Quản lý, khai thác tài nguyên trái đất bền vững và bảo vệ môi trường toàn cầu là mục tiêu số một của thế giới trong thế kỷ 21 để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững của loài người. Ở nước ta, lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển đất nước. Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1216/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”, trong đó, phương hướng phát triển nhân lực đối với ngành Tài nguyên và môi trường trong thời kỳ 2016 – 2020 là đào tạo mới và đào tạo nâng cao khoảng 3.000 – 4.000 cán bộ trình độ đại học, đào tạo mới khoảng 2.000 – 2.500 cán bộ trình độ thạc sỹ và khoảng 300 – 350 cán bộ trình độ tiến sỹ. Ngoài ra, hàng năm có hàng ngàn lượt cán bộ các cơ quan Trung ương đến địa phương cần được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Đứng trước nhu cầu chiến lược đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Hà Nội đã chính thức được phép đào tạo trình độ đại học ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường – cơ sở đào tạo sớm nhất và uy tín nhất trong lĩnh vực Khoa học Trái đất nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý tài nguyên, môi trường các cấp từ bộ, ngành, sở, phòng; trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.

Mục tiêu đào tạo:

Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý tài nguyên và môi trường của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cung cấp:

– Các kiến thức về khoa học và thực nghiệm liên quan đến lĩnh vực khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường bền vững;

– Kinh nghiệm làm việc thực tế trong điều tra khảo sát, đánh giá các vấn đề có liên quan đến khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên và môi trường;

– Năng lực tư duy sáng tạo, có khả năng làm việc và nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và các lĩnh vực có liên quan.

Kỹ năng, kiến thức và cơ hội:

– Sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng quản trị và kinh nghiệm thực tế trong quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

– Tiếp tục phát triển năng lực và kỹ năng làm việc trong môi trường nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan tư vấn chính sách và các tổ chức trong và ngoài nước khác;

– Sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp tục theo học bậc Thạc sỹ tại các trường đại học trong nước và quốc tế;

– Sinh viên có cơ hội xét tuyển thẳng vào các ngành Kinh tế phát triển của Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và các khoa ngôn ngữ (Trung, Anh, Hàn) của trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN vào năm học thứ 2.

2. Chuẩn đầu ra

Tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, sinh viên có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo;

Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.

3. Khung chương trình đào tạo

Khung chương trình bao gồm các học phần chung về khoa học tự nhiên và xã hội (Toán, Lý, Hóa, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ), và các học phần cơ bản và chuyên sâu trong quản lý tài nguyên và môi trường nhằm cung cấp các kiến thức chung và kỹ năng chuyên môn cho người học.

4. Triển vọng nghề nghiệp

Cơ hội thực tập: Trong suốt khóa học, sinh viên được tham gia thực tập thực tế hai lần (thực tế và làm khóa luận tốt nghiệp) tại các địa phương, cơ quan quản lý, viện nghiên cứu. Trong các đợt thực tập thực tế, sinh viên có cơ hội giao tiếp với các cơ quan, đơn vị bên ngoài để đề đạt nguyện vọng, đề xuất yêu cầu, thu thập số liệu phục vụ công việc của mình. Thông qua đó, rèn luyện cho sinh viên nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…, thông qua đồ án môn học, seminar, báo cáo thực tập chuyên đề. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn lồng ghép kiến thức tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên để có thể tự đọc được các tài liệu chuyên ngành nước ngoài và trao đổi học thuật với các chuyên gia quốc tế.

Cơ hội tiếp cận nâng cao trình độ:

– Được tham gia các nhóm nghiên cứu và môi trường nghiên cứu khoa học (từ năm thứ 3);

– Có cơ hội tham gia các khóa trao đổi ngắn hạn với các Đại học trên thế giới (từ năm thứ 2);

– Có cơ hội học tập với các giáo sư thỉnh giảng, giảng viên đến từ nước ngoài, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

– Có nhiều cơ hội nhận học bổng trong khi học và sau khi tốt nghiệp để tiếp tục học tập ở bậc Sau đại học;

SV. Nguyễn Thiên Phương Thảo – K57 QLTN&MT và SV. Lâm Tuấn Mạnh – K56 QLTN&MT
tham gia khóa đào tạo quốc tế về quản lý thiên tai tại Đại học Kyoto – Nhật Bản

SV. Lã Thị Oanh – K58 QLTN&MT
tham gia khóa học về quản lý tài nguyên nước tại đại học Thành Công, Đài Loan

SV. Lâm Tuấn Mạnh – K57 QLTN&MT
nhận học bổng KOICA cho khóa học Thạc sỹ tại Trường Đại học Yonsei (Hàn Quốc)

SV. Bích Ngọc (trái) và Thu Vân (phải), lớp K57 QLTN&MT nhận học bổng theo học tại
Trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia Bách khoa Tosmk (Liên Bang Nga)

Các công việc phù hợp:

– Cán bộ quản lý và chuyên viên tại các cơ quan: Quản lý nhà nước tại các Bộ (Trung ương), Sở (cấp tỉnh), Phòng (cấp huyện): Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ,…; Ban quản lý Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu kinh tế, Khu công nghiệp; Ban quản lý các dự án thuộc các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến môi trường đô thị, công nghiệp, nông thôn, biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên,…; Chi cục Bảo vệ môi trường; Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường; Cán bộ quản lý đất đai và môi trường cấp xã/phường/thị trấn.

– Cán bộ kỹ thuật, quản lý môi trường: Trung tâm Quan trắc & Phân tích môi trường; Trung tâm và các phòng thí nghiệm phân tích, quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường, Trung tâm tư vấn xây dựng và dịch vụ môi trường; Bộ phận quản lý môi trường tại các tập đoàn, nhà máy công nghiệp, cơ sở sản xuất.

– Cán bộ khoa học và chuyên gia tư vấn: Viện nghiên cứu liên quan đến tài nguyên & môi trường; Cán bộ giảng dạy tại trường Đại học, cao đẳng ngành Quản lý tài nguyên và môi trường; Điều phối viên và triển khai dự án phi chính phủ, các dự án về giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường dựa vào cộng đồng…

5. Học phí, học bổng và môi trường học

Học phí theo quy định của Nhà nước, năm học 2018-2019 là 960.000đ/1 tháng/1 sinh viên; sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được xem xét miễn-giảm học phí; được hỗ trợ chi phí học tập; xét trợ cấp xã hội…

Học bổng: từ nguồn ngân sách nhà nước xét theo kết quả học tập vào cuối mỗi học kỳ; Sinh viên có kết quả học tập tốt có thể được nhận các học bổng hỗ trợ từ các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học với mức hỗ trợ từ 5-10 triệu/năm như học bổng Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng BIDV, Đạm Phú Mỹ, Vừ A Dính, Honda, Shinnyo, POSCO, Lawrence S.Ting, Pony Chung, Yamada, Dongbu, Mitsubishi, Thakral-In Sewa, Kumho Asiana,…

Môi trường học tập: Được học tập dưới sự giảng dạy và hướng dẫn từ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các nhà quản lý có kinh nghiệm về quản lý tài nguyên và môi trường. Được học tập trong môi trường đào tạo và nghiên cứu chuẩn với hệ thống phòng thí nghiệm, phòng đọc thư viện, phòng học, thiết bị máy móc nghiên cứu chất lượng cao; có cơ hội tham gia các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, các chuyến khảo sát, đo đạc thực tế trên nhiều vùng miền của đất nước. Trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các khóa thực tập, khóa học ngắn hạn tại các nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,…

Thực tập thực tế của lớp K60 Quản lý Tài nguyên và môi trường
tại huyện Tiên Yên, vịnh Bái Tử Long và huyện đảo Vân Đồn, tỉnh  Quảng Ninh

Sinh viên được thực hành trong phòng thí nghiệm với các thiết bị phân tích hiện đại

SV. Lê Thúy Hằng – K57 QLTN&MT (thứ 3 từ trái sang) tại Chương trình học tập Mùa Xuân
của sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Kumamoto Nhật Bản năm 2015 (SV năm thứ 4).

SV. Hà Tiên – K58 QLTN&MT (ảnh giữa) tại Chương trình học tập Mùa Xuân
của sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Kumamoto Nhật Bản năm 2016 (SV năm thứ 4).

6. Nghiên cứu ứng dụng

Cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia ở Việt Nam

Các nhà khoa học của Khoa đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu GIS về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia; hiện trạng tài nguyên đất ngập nước ven biển Việt Nam; hiện trạng quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên đất ngập nước ven biển Việt Nam. Hệ thống cơ sở dữ liệu này được ứng dụng để xây dựng hồ sơ các Khu Ramsar, Khu bảo tồn thiên nhiên và các giải pháp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngập nước ven biển phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai. Do tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế – xã hội và quản lý tài nguyên và môi trường nên công trình này đã được trao giải thưởng Bảo Sơn vì sự nghiệp phát triển bền vững.

Giải thưởng Bảo Sơn vì sự nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực môi trường năm 2010

Ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý, giám sát tài nguyên – môi trường nước tại Việt Nam

Công nghệ địa không gian đã được ứng dụng trong quản lý tài nguyên nước và giám sát chất lượng môi trường nước. Các kết quả đã chỉ ra công nghệ địa không gian có thể sử dụng hiệu quả để giám sát biến động tài nguyên nước mặt, các khu vực bị hạn hán, ngập lụt,… Công nghệ địa không gian có ưu thế vượt trội để đánh giá chất lượng nước hồ, nước sông và nước biển ven bờ.

Một số kết quả ứng dụng công nghệ địa không gian để đánh giá chất lượng nước hồ và nước cửa sông

Nghiên cứu các tài nguyên địa chất, di sản địa chất phục vụ phát triển du lịch

Các nhà khoa học của Khoa đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu các di sản địa chất, xây dựng các công viên địa chất toàn cầu ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu chi tiết từ góc độ địa chất, địa mạo nhằm phát hiện đầy đủ các giá trị về thẩm mĩ, khoa học và giáo dục của động Phong Nha (Quảng Bình), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Non Nước (Cao Bằng) và nhiều di sản địa chất khác đã có ứng dụng quan trọng để xây dựng các công viên địa chất như: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Cát Bà,… Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng để quy hoạch các tuyến du lịch, đưa di sản vào phát triển kinh tế du lịch bền vững ở các địa phương và Việt Nam.

Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long

7. Hoạt động sinh viên

Hội nghị khoa học sinh viên là hoạt động thường niên, được nhà trường và khoa quan tâm tổ chức nhằm tạo môi trường học tập, nghiên cứu, từ đó góp phần phát hiện và bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Sinh viên lớp K60 Quản lý Tài nguyên và môi trường trình bày báo cáo khoa học sinh viên năm 2018

SV. Lê Thị Thúy Hằng K55 QLTN&MT (bên trái) nhận giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học
xuất sắc sinh viên Đại học Quốc gia tại ĐHQGTPHCM năm 2014

SV. Lương Thị Phương K59 QLTN&MT (thứ 4 từ trái sang) đạt giải ba
Nghiên cứu Khoa học Sinh viên cấp trường năm 2018

Chương trình: “Triển lãm mô hình địa chất” trưng bày các mô hình sáng tạo của sinh viên khoa Địa chất. Đây là chương trình bổ ích, không chỉ đẩy mạnh tính sáng tạo trong nghiên cứu mà còn giúp các bạn sinh viên có thêm các kiến thức về ngành học của mình, bên cạnh đó còn tạo cơ hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa thầy cô và các bạn sinh viên với nhau nhiều hơn.

Chương trình chào đón tân sinh viên thường niên “Hi Geology” là chương trình được xây dựng công phu với sự tham gia của tất cả 3 chi đoàn khoa Địa Chất với nhiều tiết mục liên hoan văn nghệ đặc sắc nhằm đem lại không khí giao lưu, tạo cảm giác gần gũi giữa các thầy cô và toàn thể tân sinh viên cùng sinh viên các khóa đào tạo.

“Khi con trai vào bếp” là hoạt động chào mừng ngày mùng 8/3. Đây là dịp để các bạn nam trổ tài khéo léo trong nấu ăn với các bạn nữ.

Chương trình “Fashion for Environment”

Giải bóng đá nam sinh viên trường là sự kiện thể thao dành cho tất cả các nam sinh viên ngành QLTN&MT nói riêng và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói chung thể hiện tài năng, sự khéo léo, làm bừng lên niềm đam mê cháy bỏng với môn thể thao vua. Đặc biệt hơn đồng hành cùng Giải bóng đá là các mini game hấp dẫn, những bản tin cực độc, cực lạ được các ” phóng viên ” của Khoa cập nhật nhanh nhất từ sân thi đấu.

Giải bóng đá nữ sinh viên trường là sự kiện đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, đồng thời tạo mối giao lưu, đoàn kết, gắn bó, học tập hiểu biết lẫn nhau giữa các nữ sinh viên tại các Khoa trong trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Sự kiện đã tạo cơ hội cho các nữ sinh viên Khoa học Tự nhiên khẳng định mình, không chỉ ở trí tuệ, sự hiểu biết mà còn là tài năng và phong cách, là những giá trị làm nên thương hiệu của nữ sinh viên trường Tự nhiên.

Ngày hội thanh niên khỏe được tổ chức với mục đích để rèn luyện sức khỏe, thi đua tranh tài ở các bộ môn nhảy xa, chạy 100 m, nhảy cao, đá cầu, nhảy dây với ý nghĩa nâng cao tình đoàn kết, gắn bó, giao lưu giữa các đoàn viên trong toàn Trường.

8. Sinh viên và cựu sinh viên tiêu biểu

TS. Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường,

Ths Trịnh Nguyên Tính, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên và môi trường biển khu vực phía Bắc.

Ths Lê Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên và môi trường biển khu vực phía Bắc.

TS. Nguyễn Thị Hồng Liễu – Trưởng phòng Quản lý chất thải ven biển, Tổng cục Môi trường (K42),

TS. Đặng Hoài Nhơn, Trưởng phòng Địa môi trường biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm KH&CNVN.

9. Đánh giá của nhà tuyển dụng

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Khoa có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt, có khả năng phân tích và tổng hợp cao, đáp ứng nhanh với công việc được giao (Ths Lê Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên và môi trường biển khu vực phía Bắc).

10. Liên hệ

Website: https://geology.hus.vnu.edu.vn/

Số điện thoại: 0243.8585097

Tin Liên Quan