CÔNG BỐ QUAN TRỌNG VỀ NIÊN ĐẠI TRẦM TÍCH BIỂN HỒ

🌈CÔNG BỐ QUAN TRỌNG VỀ NIÊN ĐẠI TRẦM TÍCH BIỂN HỒ
🌼Lần đầu tiên, niên đại 55 ngàn năm liên tục của trầm tích Biển Hồ Gia Lai được công bố trên tạp chí Quaternary Geochronology. Đây là một trong hai lõi trầm tích hồ đương đại có ghi nhận tuổi liên tục dài nhất, hiếm có ở Đông Nam Á (bên cạnh hồ Towuti, Indonesia), tạo cơ sở quan trọng để công bố các kết quả nghiên cứu tiếp sau về lịch sử hạn hán và cổ môi trường khu vực Tây Nguyên Việt Nam. Niên đại trầm tích cùng một vài kết quả nghiên cứu bước đầu về địa hóa, đồng vị bền cũng lần đầu được báo cáo tại Hội thảo khoa học thường niên Hội Trầm tích Việt Nam (19/8/2023).
.
.
.
☘️Đây là một trong ba bài báo quốc tế trong khuôn khổ đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ từ năm 2019, đã nghiệm thu tháng 6/2023. TS. Nguyễn Văn Hướng, chủ nhiệm đề tài còn được Chương trình Fulbright của Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ trong thời gian là học giả tại Đại học Indiana năm 2021, nhằm tiến hành phân tích lõi trầm tích. Công bố mới nhất dựa trên lõi trầm tích với chiều dài tổng 25 m tại hồ núi lửa Biển Hồ, sử dụng tổ hợp ba phương pháp định tuổi gồm carbon-14 (với 47 mẫu thực vật và TOC), cesium-137, và đặc biệt là cổ từ, mô hình tuổi trầm tích Biển Hồ cho ~55 ngàn năm qua được xây dựng với độ phân giải cao. Với phép đo cổ từ, biến thiên thế kỷ của từ trường Trái đất gồm cường độ và độ từ khuynh trong quá khứ được ghi nhận cho thấy phù hợp với biến đổi toàn cầu và châu lục, trong đó có sự kiện đảo từ Laschamp ở ~41 ngàn năm.
.
.
🍁Được biết, dù đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ đã kết thúc, tuy nhiên nghiên cứu Biển Hồ ngày càng hấp dẫn thêm nhiều thành viên tham gia. Hiện 2 nghiên cứu sinh đang tích cực thực hiện luận án dựa trên các lõi trầm tích đã thu thập tại Tây Nguyên. Lõi trầm tích hiện tại dài 25 mét với niên đại theo như công bố mới nhất chỉ 55 ngàn năm, cho thấy trầm tích Biển Hồ còn nhiều tiềm năng trong việc nghiên cứu cổ khí hậu trong vài chu kỳ bằng hà và gian băng của Trái đất (200 ngàn năm, thậm chí cổ hơn). Nhóm nghiên cứu có thế mạnh về việc tự thiết kế và chế tạo thiết bị lấy mẫu trầm tích nguyên dạng, với kỹ thuật lấy mẫu ngày càng được cải tiến, cho phép độ sâu lấy mẫu tăng dần. Do vậy, ngoài việc tìm kiếm tài trợ mới theo hướng nghiên cứu cơ bản, hoàn toàn có thể hướng đến các chương trình định hướng ứng dụng với sản phẩm đầu ra là các đăng ký sở hữu trí tuệ (sáng chế hoặc giải pháp hữu ích) cho các sáng chế về thiết bị lấy mẫu trầm tích nguyên dạng.
🌏Nghiên cứu Biển Hồ hứa hẹn góp phần hơn nữa vào việc đào tạo ở bậc đại học và sau đại học tại Khoa Địa chất, thu hút sự tham gia ngày càng nhiều hơn của sinh viên thuộc cả ba ngành Địa chất học, ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, và ngành Công nghệ Quan trắc và Giám sát tài nguyên môi trường.

Tin Liên Quan