GS. PHAN TRƯỜNG THỊ – TÌM LỜI CỦA ĐÁ

Chẳng ai hiểu Trái Đất bằng những hòn đá trong lòng nó. Chẳng ai hiểu những hòn đá nói gì ngoài các nhà Thạch học. Cũng chẳng nhiều người hiểu câu nói này cũng như cuộc hành trình mà GS.TSKH Phan Trường Thị đã cùng chiếc ba lô cũ kỹ và cái búa đã lăn lộn khắp mọi miền đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua.

Trang bị cho hành trình cả cuộc đời

“Hạnh phúc của một người thầy giáo, một nhà khoa học là tìm được những người học trò đủ tài năng và đam mê để kế tục mình trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ngày đầu xây dựng ngành Địa chất ở Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Chiển đã rất chú trọng đến công việc này. Thầy rất kỹ tính trong việc tuyển chọn học trò để tiếp nối những vấn đề thầy đang theo đuổi. Người được thầy chọn phải có niềm đam mê thật sự”. Đó là lời mở đầu của GS.TSKH Phan Trường Thị khi được hỏi tại sao ông lại đến với ngành Thạch học.

Tập kết ra Bắc từ năm 1954, năm 1956, Phan Trường Thị may mắn là một trong những sinh viên Địa chất khoá I Đại học Bách khoa Hà Nội được thầy Nguyễn Văn Chiển lựa chọn để đào tạo theo ngành Thạch học (Khoa học về Đá). Đầu những năm 1960, ông bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học và rồi trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi về đá của ngành Địa chất Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ qua, ông đã dành toàn bộ tâm huyết để nghiên cứu về đá như mong muốn của người thầy đáng kính của mình. “Chúng tôi là lớp sinh viên đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Những ngày đầu học tập chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn mọi phương tiện để học. Phần lớn các sinh viên đều chưa hình dung được học Địa chất thì phải học những môn gì. Tài liệu cũng chưa có nhiều, chỉ có một số tài liệu tiếng Pháp và sau đó là tài liệu tiếng Nga do các chuyên gia Liên Xô đưa sang như cuốn “Thạch học” của Viện sĩ Zarasitski hay “Thạch học các đá biến chất” của Harker… Thầy Chiển đã hướng dẫn chúng tôi đọc tài liệu và theo các chuyên gia đi thực địa để học tập kinh nghiệm. Một số sinh viên học giỏi và đam mê đã được các thầy định hướng đào tạo để giữ lại giảng dạy. Tôi may mắn được thầy Chiển lựa chọn để sau này giảng dạy Thạch học, là chuyên môn chính của thầy. Đó là một vinh hạnh, một trọng trách và cũng là một thử thách dành cho tôi khi bước chân vào khoa học”.


Thạch học, như GS Phan Trường Thị nói, là môn học cơ bản trong lĩnh vực địa chất học. Các nhà địa chất đều cần có những kiến thức cơ bản về Thạch học. Để bước chân vào chuyên môn Thạch học, ông phải tự trang bị cho mình nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết. Bên cạnh việc đọc tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Nga, ông còn theo thầy Nguyễn Văn Chiển và chuyên gia về Thạch học của Liên Xô là GS Emile Petrovic Idốp đi nghiên cứu thực địa để học tập. Bên cạnh đó, ông còn tự đi học về kỹ năng sử dụng kính hiển vi phân cực. “Một nhà địa chất nói chung và một nhà nghiên cứu Thạch học nói riêng, đều phải nắm vững và sử dụng tốt các loại kính hiển vi phân cực”, GS.TSKH Phan Trường Thị chia sẻ, “Kính hiển vi phân cực có vai trò quan trọng trong nghiên cứu địa chất. Nó là thiết bị để phân tích các mẫu đá và tìm hiểu về các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, những năm đầu cả Đại học Bách khoa chỉ có vài chiếc kính hiển vi phân cực do người Pháp để lại. Sau đó có khoảng dăm chiếc do chuyên gia Liên Xô đưa sang. Việc học thực hành khó khăn do thiếu trang thiết bị. Tôi được GS Nhemkov, một chuyên gia Liên Xô sang giảng dạy ở Đại học Bách Khoa giới thiệu đến gặp vợ ông là TS Nhemkova đang làm việc tại Tổng cục Địa chất Việt Nam để học tập về kính hiển vi phân cực. Từ đó, sáng tôi đạp xe qua phố Phạm Ngũ Lão để học về quang tinh học (môn học về các nguyên lý hoạt động của kính hiển vi phân cực) rồi chiều lại đạp xe về trường để lên lớp cho sinh viên. Đêm thì tự học thêm ngoại ngữ và đọc tài liệu để soạn bài giảng. Có lẽ vì niềm đam mê nên ngày đó không thấy mệt mỏi!”. Kết quả của những ngày tháng miệt mài đó, năm 1966, Phan Trường Thị hoàn thành và xuất bản cuốn giáo trình “Quang tinh học”- là cuốn giáo trình đầu tiên dạy cho sinh viên các nguyên lý và cách sử dụng kính hiển vi phân cực trong nghiên cứu địa chất.

Những năm tháng trèo đèo lội suối

“Ngày 17/2/63. Nhiều mây, không mưa. Bắt đầu mùa đi thực tế, lại bằng một chuyến trở lại Đồng Mỏ! Có gì hấp dẫn ở đây?

Mới qua dốc Ỷ và đêm nay ngủ tại làng Hang. Bây giờ bắt đầu một đêm chủ nhật. Nếu…”. Đó là những dòng nhật ký của Phan Trường Thị viết năm 1963, mở đầu cho những chuyến đi thực tế trong cuộc đời nghiên cứu địa chất.

Bước vào địa chất là bước vào cuộc hành trình gian lao vất vả nhưng luôn tràn ngập niềm vui và sự mới lạ. Hơn nửa thế kỷ nghiên cứu địa chất của GS Phan Trường Thị là sự kết nối của những năm tháng trèo đèo lội suối, ăn ngủ giữa núi rừng. Những chuyến đi thực địa đầy gian khổ và thiếu thốn, chân trần lội suối giữa mùa đông buốt giá. Những đêm nằm đốt lửa canh thú dữ cho học trò ngủ, rồi những lúc gặp cả đoàn voi ngay trên đường thực địa khiến cả đoàn phải bỏ chạy… Những gian khổ trên đường thực địa hẳn chỉ có nhà địa chất mới hiểu. Nhưng mà sung sướng thì cũng chẳng có gì so sánh được:nhấm nháp một vài chén rượu với thịt thú rừng, mừng rỡ nhảy chồm lên vì phát hiện ra một loại đá mới hay cả đoàn hò reo sung sướng khi phát hiện ra những mỏ vàng cho đất nước. Có lẽ, GS Phan Trường Thị cảm nhận đến tận cùng nỗi khổ đau cũng như niềm hạnh phúc đó.

Năm 1963, ông đưa một đoàn sinh viên lên Lào Cai để nghiên cứu thực địa ở vùng mỏ Sinh Quyền. Đây là một chuyến đi thực địa đầy kỷ niệm: “Một hôm, tôi và các học trò đang đi xem xét và lấy mẫu đá ở vùng suối Lũng Lô giáp biên giới với Trung Quốc. Buổi sáng, sau khi ngủ dậy, các học trò đang chuẩn bị đồ đạc để đi tiếp, tôi đi ra bờ suối và thấy bên kia suối có một khối đá nhô ra, ánh sáng mặt trời chiếu vào thấy có ánh sáng lạ phát ra nên tôi cầm búa bơi qua suối đập ra để xem. Các học trò thấy vậy cũng bơi qua cùng tôi đập đá ra và phát hiện đó là loại đá chứa quặng đồng. Chúng tôi vui sướng quá, nhảy lên và reo hò với nhau. Đó là niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên mình phát hiện ra được một loại đá mới. Trong đoàn địa chất đang làm việc ở mỏ Sinh Quyền có các chuyên gia Trung Quốc nên khi chúng tôi báo cáo về phát hiện của mình thì vài tháng sau, bên kia biên giới, Trung Quốc đã cho máy khoan đến thăm dò”. Cùng từ chuyến đi nghiên cứu thực địa này, Phan Trường Thị đã viết một bài viết trên tạp chí và loại đá mới này, ông đặt tên là đá Metasomatit.

Thi%202.
Bước vào địa chất là bước vào cuộc hành trình gian lao vất vả
nhưng luôn tràn ngập niềm vui và sự mới lạ

(GS.TSKH Phan Trường Thị (bên trái) trong một chuyến nghiên cứu thực địa ở Sơn La, 2002)

Những năm từ 1964-1970, ông tham gia đoàn địa chất đi vẽ bản đồ địa chất miền Tây Nghệ An do ông Lê Duy Bách bên Tổng cục Địa chất là Trưởng đoàn. Phan Trường Thị là cán bộ có trình độ đại học tham gia, là trưởng nhóm nghiên cứu về Thạch học. Trong các chuyến đi, ông đưa các sinh viên đi cùng để truyền đạt các phương pháp nghiên cứu thực địa và lấy mẫu nghiên cứu. Những chuyến đi thực địa ở Nghệ An để lại nhiều kỷ niệm, GS Phan Trường Thị kể lại: “Trong một chuyến đi vào Nghệ An cùng với sinh viên khóa 7 về huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Trong đoàn có một anh sinh viên tên Quang hay nói và luôn tỏ ra mình không sợ gì cả. Một hôm trên đường đi dọc bờ suối cả đoàn phát hiện những dấu chân voi rất to. Tối đó dựng trại để ngủ, anh sinh viên này sợ quá nên xin vào nằm ở giữa đoàn nhưng vẫn không ngủ được. Ông là thầy giáo nên phải nằm ngoài cùng để trông bếp lửa đề phòng thú dữ và bảo vệ sinh viên. Từ hôm đó, mọi người hay cười trêu anh Quang. Còn chuyện về chàng sinh viên Vũ Đình Chỉnh, vốn là người thành phố nên không quen nước, lại phải lội suối trong mùa đông giá rét nên một chân bị sưng lên, đau quá không đi được giày, có khi phải lết bằng hai tay… Một lần khác, cả đoàn đang đi tìm lấy mẫu thì nghe một tiếng gầm rất lớn ngay trước mặt. Một đoàn voi đang đi ngay gần chúng tôi. Thế là mọi người bỏ hết trang thiết bị để chạy. Hôm sau mới quay lại để lấy đồ đạc thì phát hiện có một con voi to đang bị thương sắp chết. Cả nhóm làm thịt và gọi dân vào chia cho họ. Có những ngày đi trong rừng không gặp nhà dân mà hết lương thực thì cả đoàn nhịn đói. Có hôm, đói quá nên khi đến một bản thì đoàn cử một anh đến nhà dân mua một con chó về làm thịt rồi kho mặn lên ăn cả tuần. Ăn đến khi mọi người đều thấy sợ món thịt chó kho này. Thầy trò chúng tôi vẫn đùa với nhau là chúng ta “lên voi xuống chó”, tức là lên rừng ăn thịt voi và xuống bản thì ăn thịt chó”.

Kết quả của những chuyến đi nghiên cứu ở Nghệ An là hoàn thành việc vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200000 để phục vụ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên ở đây. Về mặt khoa học, Phan Trường Thị còn phát hiện ra cấu trúc bóc vỏ của địa chất Tây Nghệ An, đây là phát hiện đầu tiên về cấu trúc này ở Việt Nam và đến năm 1981, khi làm luận án Tiến sĩ, ông đã đưa phát hiện này vào phân loại cấu trúc địa chất để bảo vệ luận án. Những nghiên cứu thực địa của các ông cũng đã phát hiện ra nhiều mỏ tài nguyên khoáng sản cho đất nước: “Đoàn chúng tôi đi thực địa đã phát hiện ra nhiều mỏ thiếc, vàng, quặng, sắt, nhôm. Lúc đó cũng thấy rất nhiều loại đá quý, trong đó có nhiều đá rubi. Nhưng thời điểm đó chưa biết giá trị của các đá này nên không quan tâm. Với lại nghiên cứu địa chất thời bao cấp, đi nghiên cứu khoa học thì không quan tâm đến những vấn đề kinh tế khác, chỉ tập trung tìm các mỏ sắt, thiếc, nhôm, quặng để phục vụ công nghiệp nặng và phục vụ kháng chiến”.

Từ giữa những năm 1970, Phan Trường Thị có nhiều nghiên cứu về địa khối Kon Tum, một khối địa chất quan trọng để tìm hiểu về cấu trúc địa chất Việt Nam và Đông Dương. Những nghiên cứu của ông sau đó được trình bày trong luận án Phó Tiến sĩ (1978) rồi luận án Tiến sĩ (1981). Trong đó, qua nghiên cứu một số loại đá, ông phát hiện một số trường hợp có độ phóng xạ khác thường. Đó là cơ sở để sau này ông tham gia thực hiện Chương trình nghiên cứu nguồn năng lượng phóng xạ ở Việt Nam do Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia đưa ra. Ông chính là người đưa ra đề xuất chuyển hướng nghiên cứu thăm dò quặng chứa phóng xạ từ miền Bắc vào miền Trung, góp phần trong việc phát hiện ra Mỏ quặng chứa phóng xạ Tiên An và đặc biệt là mỏ Nông Sơn (đều ở Quảng Nam) – một Mỏ quặng chứa phóng xạ lớn nhất khu vực. Để làm được điều đó, ông cùng các đồng nghiệp cũng phải trải qua nhiều gian khổ. Như ông kể: “Chương trình năng lượng phóng xạ tôi tham gia từ khoảng 1987-1992. Mỗi năm, chúng tôi phải dành ra 3-4 tháng để đi thực địa. Biết những vùng có mỏ quặng chứa phóng xạ có độ phóng xạ cao hơn bình thường và nguy hiểm cho sức khỏe nhưng chúng tôi rất mong gặp được vùng như vậy. Khi phát hiện thì chúng tôi đến ăn ở và nghiên cứu thực địa. Có khi mua được con lợn về ăn thì thịt ra thấy trong lòng nó chứa loại đất màu đen mà độ phóng xạ cao gấp nhiều lần khiến mọi người không dám ăn. Kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi phải mua xăng chở từ miền Bắc vào và mua cá mắm từ miền Trung ra để bán lấy thêm kinh phí trang trải cho việc nghiên cứu…”.

Đó chỉ là một số chuyến đi nghiên cứu thực địa mà GS Phan Trường Thị kể lại. Còn chuyện đi nghiên cứu thực địa của ông trong hơn nửa thế kỷ qua thì thật khó mà nói hết được. Qua 23 cuốn nhật ký địa chất-một bằng chứng cho quá trình trèo đèo lội suối mà ông còn giữ lại được đã ghi chép lại hàng trăm cuộc đi nghiên cứu thực địa của ông. Tiêu biểu có thể kể đến những chuyến đi nghiên cứu thực địa như: Đi Lào Cai (1963), đi Nghệ An (1964, 1965-1970), đi Yên Bái (1968), đi Hòa Bình (1972), đi các tỉnh miền Trung (1987), đi Kon Tum (2001)… Khi tiếp xúc với ông, ít ai nghĩ với đôi chân của một con người có vóc dáng thư sinh này lại đã lăn lội với khắp các vùng rừng núi trong cả nước. Vai mang ba lô, trên tay luôn thường trực một chiếc búa, hơn nửa thế kỷ qua người đàn ông gốc Bình Định này đã đến và đi qua những nơi được coi là điểm nhấn của ngành Địa chất Việt Nam, từ Mỏ đồng Sinh Quyền (Lào Cai), Thủy điện sông Đà (Hòa Bình) đến Mỏ quặng chứa Uranium Tiên An, Nông Sơn (Quảng Nam), từ địa khối Kon Tum đến nghiên cứu dầu mỏ, khoáng sản ở Biển Đông. Bước chân ông đến giờ vẫn chưa ngừng nghỉ.

Từ Thạch học mô tả đến Thạch luận
Giáo sư Nguyễn Văn Chiển là nhà Thạch học thế hệ đầu tiên của Việt Nam. Từ cuối những năm 1950, trong khi giới địa chất (đặc biệt là địa chất Xô Viết) đang tập trung nghiên cứu các loại đá ở bề mặt vỏ Trái Đất thì ông đã quan tâm nghiên cứu về các loại đá Magma nằm sâu trong vỏ Trái Đất mà ông lấy ở Thanh Hóa. Ngày đó, ít người hiểu hết giá trị của những nghiên cứu như vậy còn ngày nay thì trở thành vấn đề chính trong giới địa chất. Những nghiên cứu đó thể hiện được tầm nhìn khoa học của GS Chiển. Trên con đường nghiên cứu Thạch học, GS Phan Trường Thị một mặt tiếp nối thầy Chiển, nhưng cũng tìm cho mình những lối đi riêng. Lúc đầu, ông đi sâu nghiên cứu Thạch học mô tả, trong đó, chú trọng đến quá trình hóa lý của các loại đá. Như ông nói “Nếu không hiểu được quá trình hóa lý của các loại đá thì rất khó để giải thích được cấu tạo và nguồn gốc hình thành các loại đá. Trước khi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh (1974), tôi có đọc một cuốn sách tiếng Nga về quá trình hóa lý của các loại đá nhưng tôi không hiểu. Khi sang Liên Xô, tôi xin tìm ông thầy là tác giả của cuốn sách để học. Đó là một sự táo bạo khi học trò đề xuất được học một ông thầy mà mình chưa biết. Sau này, khi tiếp xúc với các nhà địa chất Âu-Mỹ, tôi thấy hướng mình đi như vậy là đúng đắn”. Quá trình nghiên cứu và giảng dạy về Thạch học, GS Phan Trường Thị đã tổng hợp và biên soạn hai cuốn giáo trình là “Thạch học các đá Magma” (2004) và “Thạch học các đá biến chất” (2007). Cả hai cuốn giáo trình này được Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản và các sinh viên chuyên ngành đều sử dụng trong quá trình học tập.

Thi%203.
“Chẳng ai hiểu Trái Đất bằng những hòn đá trong lòng nó”
(Nghiên cứu thực địa Sơn La, 2002)​

​Từ Thạch học mô tả, ông đi sâu hơn và tiến đến nghiên cứu về Thạch luận để giải thích cội nguồn hình thành các loại đá. Muốn nghiên cứu vấn đề này phải nắm rõ quá trình hóa lý của các loại đá. Mà hướng nghiên cứu này hiện nay không được giới địa chất Việt Nam quan tâm. Ông tập hợp các tư liệu và biên soạn cuốn Giáo trình “Thạch luận” để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. Cuốn giáo trình này được Đại học Quốc gia Hà Nội in ra đĩa để cho sinh viên học tập và đưa lên trên internet cho nhiều người tham khảo. Như tác giả chia sẻ thì đây là một cuốn giáo trình tập hợp những kinh nghiệm, tri thức của ông trong mấy chục năm nghiên cứu và giảng dạy, nó cung cấp cho người đọc một nền tảng kiến thức tổng quát từ Thạch học đến Thạch luận.

Việc nghiên cứu về Thạch luận cũng đưa ông đến những cuộc tranh luận nảy lửa: “Từ ngày còn đi học, tôi được các chuyên gia Liên Xô dạy về lý thuyết tập hợp trong phân chia các đá Magma. Trong quá trình nghiên cứu tôi phát hiện lý thuyết này và cách giải thích của các chuyên gia Liên Xô có vấn đề gì đó không hợp lý. Tuy nhiên, khi tôi viết những suy nghĩ trong nghiên cứu của mình mang tính trao đổi, phản biện về lý thuyết đó của các nhà địa chất Liên Xô đăng lên tạp chí, thì bị một số đồng nghiệp phê phán là “ăn cháo đá bát”, được đào tạo ở Liên Xô mà lại đi phê phán lý thuyết của Liên Xô. Lúc đó, tôi chỉ biết cười. Đi làm khoa học luôn biết rõ sẽ có mặt trái và phải. Tranh luận khoa học là việc không tránh khỏi, cần phải có những lập luận, căn cứ khoa học để trình bày chứ không phải là chuyện tình cảm nể nang. Tiếc rằng chúng ta không nhiều người hiểu và có phương pháp tranh luận như vậy”.

Có thể nói, những nghiên cứu của GS Phan Trường Thị từ Thạch học mô tả đến Thạch luận đã là “lời của đá” mà chính ông làm cho biểu tượng của sự câm lặng phải lên tiếng.

Và nỗi cô đơn khó cất thành lời

Cuộc đời đôi khi hay có những nghịch lý. Là người có thể bắt sự câm lặng cất tiếng nhưng GS Phan Trường Thị lại thấy nỗi cô đơn đôi khi khó cất thành lời. “Lúc thầy Chiển còn sống không có nhiều người hiểu hết thầy. Trong giới khoa học, những người hiểu hết lĩnh vực chuyên môn và tầm nhìn của thầy không nhiều. Có lẽ vì luôn đi trước người khác nên thầy thường cảm thấy cô đơn”. Đó là những lời tâm sự của GS Phan Trường Thị về GS Nguyễn Văn Chiển. Không dám so sánh với thầy của mình nhưng kỳ lạ, ông thấy mình giống thầy ở nỗi cô đơn. Cô đơn không phải không có bạn, không có học trò mà “cô đơn vì không có nhiều người hiểu được những ý tưởng của mình”. Như ông tâm sự: “Ngày nay không có nhiều người đi theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về Thạch học để trở thành chuyên gia. Lý do đơn giản là thạch học chưa có vị trí trong thực tiễn cuộc sống hiện tại ở đất nước ta. Lớp trẻ đang chạy theo những ngành nghiên cứu ứng ụng để làm kinh tế. Các ngành nghiên cứu cơ bản như Thạch học trong địa chất cũng ít dần người theo học. Một nhà khoa học không tìm được người tiếp nối trong lĩnh vực chuyên môn của mình là một nỗi buồn lớn”.

Trên cương vị một nhà giáo, không thể chia sẻ hết tri thức mình có cũng là một nỗi buồn: “Tôi có nhiều học trò và có những người đã thành đạt. Nhưng tôi lại không có được những người học trò đi theo chuyên môn sâu của mình. Những ý tưởng tôi đưa ra, từ Thạch học mô tả đến Thạch luận, học trò đều thích thú nghe nhưng họ không muốn đi sâu nghiên cứu vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có phần do thiếu niềm đam mê địa chất. Có lẽ đó là sự cô độc, là nỗi buồn lớn nhất của tôi. Có gì buồn hơn khi mình đưa ra những ý tưởng mới mà không tìm được người để trao đổi một cách khoa học”. Trong suy nghĩ đó, ông đang trao đổi với một số nhà khoa học trong giới địa chất để tổ chức một cuộc hội thảo về những ý tưởng mới trong nghiên cứu địa chất của GS Nguyễn Văn Chiển và mong rằng thế hệ trẻ có thể tiếp nhận, đi sâu nghiên cứu về các vấn đề địa chất mà thầy Chiển đã gợi mở ra.Như một kết luận để tổng kết lại những gì mình đang chất chứa, trăn trở trong lòng, GS Phan Trường Thị bộc bạch thêm: “Mọi nhà khoa học đều có khát vọng tìm ra chân lý. Nhưng không phải mọi chân lý đều hợp lý với cuộc sống hiện tại trong thời điểm nó xuất hiện. Một khi chân lý không tìm được sự hợp lý thì bi kịch ập đến với nhà khoa học. Đó là một hiện thực không thể phủ nhận”.
Theo Bùi Minh Hào
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Tin Liên Quan