Lịch sử phát triển

LCH S PHÁT TRIN CA KHOA

55 năm truyn thng Đào to và Nghiên cu khoa hc ca Khoa Đa cht (1966-2021)

 

          Khoa Địa chất có một truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học 50 năm. Cùng với khoa Địa lý, khoa Khí tượng – Thủy văn và Hải dương học và khoa Môi trường, dưới một mái nhà chung từ 1966 đến 1996 với tên gọi “Khoa Địa lý – Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 30 năm ở trong khoa Địa lý – Địa chất, ngành Địa chất đã xây dựng và phát triển nhanh chóng và vững mạnh theo hướng đào tạo và nghiên cứu địa chất cơ bản, đã xác lập được vị thế hàng đầu trong cả nước. Từ 1996 đến nay khoa Địa chất được tách ra thành một khoa độc lập và phát triển lên một tầm cao mới theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế các ngành nghề trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

          55 năm truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học của khoa Địa chất có thể chia ra 2 giai đoạn:

                 + Giai đoạn 1966-1996: Ngành Địa chất trong khoa Địa lý-Địa chất

                 + Thời kỳ sơ tán lần thứ nhất (1966-1970): Bắc Thái và Đông Anh

                 + Thời kỳ sơ tán lần thứ hai (1970-1972): Từ Cự Đà đến Phú Bình

                 + Thời kỳ ở Hà Nội (1973-1996).

                 + Giai đoạn 1996 đến nay: Khoa Địa chất được thành lập và phát triển

          Mỗi giai đoạn được giới thiệu một cách chi tiết về cơ cấu tổ chức nhân sự của Khoa, các bộ môn, các ban chủ nhiệm Khoa và chủ nhiệm bộ môn qua các thời kỳ. Đặc biệt, lịch sử xây dựng và phát triển của Khoa sẽ trình bày những thành tích, sự kiện, những đánh giá và được minh họa bằng hình ảnh sinh động.

          Trên chặng đường 50 năm qua Khoa Địa chất đã vươn lên một tầm cao, xác lập được một vị thế đáng tự hào: ngang tầm khu vực. Tiêu chuẩn này đã được Hội đồng AUN đánh giá đạt điểm cao (5/7) theo chuẩn (ISO) của Đông Nam Á.

           Phát huy những thành tích đã đạt được Khoa Địa chất cần phải tập trung xây dựng đội ngũ có chất lượng cao hơn nữa để kế tục sự nghiệp những thế hệ đi trước một cách vững vàng trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động.

GIAI ĐON 1966–1996

I. Thi kỳ sơ tán ln th nht (1966-1970)

Khoa Địa lý-Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập ngày 15/8/1966 theo QĐ 284/1966. QĐ-BĐH-THCN của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp với “mt danh” ca thi sơ tán là “T104-K1, BC11C”.

Khóa sinh viên đầu tiên của khoa Địa lý-Địa chất có 74 người gồm 2 đợt tuyển sinh ghép lại:

Đợt 1 có 23 sinh viên được gọi trực tiếp từ các trường cấp 3 trong nước sau khi tốt nghiệp phổ thông. Số sinh viên này trong 2 tháng đầu ghép chung với khoa Sinh học đóng tại xã Kỷ Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).

Đợt 2 có 51 sinh viên được triệu tập từ 2 nguồn: một nguồn từ số học sinh dự kiến được đi Trung Quốc và một nguồn khác là lưu học sinh đã học 1 năm ở Trung Quốc về nước do Trung Quốc làm “Đại cách mạng văn hóa” nên không đào tạo lưu học sinh nước ngoài nữa.

Khi đoàn sinh viên đợt 2 được triệu tập đến xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái thì Khoa Địa lý-Địa chất cũng tách khỏi Khoa Sinh học và chuyển về xã Lục Ba.

Những ngày đầu ở Kỷ Phú chỉ có 7 thầy cô giáo, thầy Chiển là chủ nhiệm Khoa đầu tiên với 6 thầy cô khác từ Liên Xô mới về nước, đó là các thầy cô Nguyễn Quang Mỹ (Địa mạo), Nguyễn Hoàn (Địa mạo biển), Vương Tường Vân (Địa lý tự nhiên), Lê Hưng Khởi (Địa lý thủy văn), Nguyễn Chí Soạn (Địa lý tự nhiên) và Lê Đình Vần (Địa lý). Khi chuyển về Lục Ba, Thầy Mỹ được cử làm bí thư Khoa.

Đến năm 1967-1968 ở Lục Ba Khoa có thêm 19 thầy nữa được tăng cường gồm các: thầy Tống Duy Thanh, Vũ Chí Hiếu và Vũ Tiến Dũng từ trường Đại học Mỏ-Địa chất chuyển sang và 16 thầy mới tốt nghiệp đại học từ Liên Xô về nước: đó là các thầy Nguyễn Vi Dân (Địa mạo), Đào Đình Bắc (Địa mạo), Nguyễn Đức Huy (Địa lý tự nhiên), Lê Đức Tố (Hải dương học), cô Kiều Thị Xin (Khí tượng), Đặng Đức Nga (Địa chất), Nguyễn Văn Phúc (Địa chất), Nguyễn Ngọc Trường (Địa chất), Võ Văn Đạt (Địa chất), Vũ Đình Lý (Địa chất), Nguyễn Bá Linh (Địa lý), Lê Văn Mai (Khí tượng), Nguyễn Hữu Lạc (Địa chất), Võ Ngọc Tùng (Địa chất) và Trần Công Minh (Khí tượng). Đến năm 1968 số cán bộ giảng dạy khối địa chất lên tới 12 người.

Ở nơi sơ tán tuy cuộc sống sinh hoạt và điều kiện dạy và học của Thầy – Trò hết sức thiếu thốn song Khoa Địa lý-Địa chất may mắn là có được thầy Nguyễn Văn Chiển chủ nhiệm Khoa đầu tiên, người cầm lái giỏi vững vàng, đưa con thuyền vượt qua sóng gió để cập bến một cách an toàn.

Muốn đào tạo được ngành Địa chất tất yếu phải có điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm. Thầy Chiển không chỉ là một nhà khoa học giỏi mà còn là một nhà tổ chức và sư phạm giỏi. Thầy có một tầm nhìn xa về chiến lược phát triển khoa học Địa chất cơ bản ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khác với Trường Đại học Mỏ-Địa chất là đào tạo nặng về kỹ thuật, tìm kiếm thăm dò và khai thác khoáng sản. Nhờ có tầm nhìn đó, Thầy đã mời Thầy Thanh từ Trường Đại học Mỏ-Địa chất về Khoa phụ trách giáo vụ – người kiến trúc sư đầu tiên về chương trình đào tạo “Địa chất cơ bản”, đã giúp thầy Chiển tháo gỡ những khó khăn trong những bước đi ban đầu.

Trong thời kỳ sơ tán lần thứ nhất Khoa Địa lý–Địa chất tuyển sinh 3 khóa (K1, K2 và K3) và đào tạo 3 ngành: Địa chất, Địa lý và ngành Khí tượng – Thủy văn và Hải dương học.

Ngành Địa chất có 2 bộ môn: Bộ môn Địa chất và Bộ môn Địa hóa. Thầy Chiển vừa là chủ nhiệm Khoa vừa kiêm chủ nhiệm bộ môn Địa hóa. Thầy Tống Duy Thanh vừa làm trợ lý giáo vụ vừa giữ chức vụ chủ nhiệm bộ môn Ðịa chất.

Bộ môn Địa hóa (1966-1970) có 7 thầy cô: Nguyễn Văn Chiển, Võ Văn Đạt, Vũ Chí Hiếu, Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Ngọc Trường, Đỗ Thị Vân Thanh, Ngụy Tuyết Nhung. Bộ môn Địa chất có 6 thầy: Tống Duy Thanh, Nguyễn Văn Phúc, Đặng Đức Nga, Vũ Đình Lý, Lê Văn Mạnh và Nguyễn Hữu Lạc.

Ngay từ khóa tuyển sinh đầu tiên tuy còn thiếu thốn trăm bề nhưng Thầy Chiển đã chuẩn bị được 3 bộ mẫu thực tập: Bộ mẫu thạch học, bộ mẫu khoáng vật và bộ mẫu cổ sinh để giảng dạy cho sinh viên khóa 1. Vì lúc bấy giờ còn thiếu thầy giáo nên thầy Chiển đã giao phần thực tập cho thầy Nguyễn Hoàn tốt nghiệp Địa mạo từ Liên Xô mới về nước phải hướng dẫn sinh viên K1 thực tập thạch học và khoáng vật, thầy Nguyễn Văn Phúc hướng dẫn thực tập cổ sinh vật, còn phần lý thuyết môn Địa chất đại cương thì thầy Chiển đảm nhiệm. Sau 2 năm đầu với kết quả học tập các môn Toán-Lý-Hóa, Nga Văn, Địa chất đại cương và Trắc địa của sinh viên khóa 1 rất tốt, nhiều người đạt toàn điểm 5 đã làm thầy Chiển hết sức hài lòng và khích lệ tinh thần sinh viên vươn tới trong học tập và rèn luyện của sinh viên các khóa tiếp theo.

Lúc đó do còn thiếu các thầy dạy Địa chất nên sinh viên khóa 1 và khóa 2 lại có may mắn là được học nhiều môn cơ sở với các thầy Trường Đại học Mỏ-Địa chất đã công tác lâu năm có nhiều kinh nghiệm và kiến thức giỏi như: môn Tinh thể do thầy Nguyễn Tất Trâm dạy, môn Quang học tinh thể do thầy Quan Hán Khang dạy, môn Thạch học đá trầm tích do thầy Phạm Huy Tiến và thầy Trịnh Ích dạy, môn Khoáng sản do thầy Nguyễn Văn Chữ dạy.

Đến năm thứ 3 sinh viên khóa 1 đã có 10 kính hiển vi MNH-8 để thực tập lát mỏng thạch học. Như vậy, để đào tạo một sinh viên địa chất theo chương trình truyền thống và kinh điển thì Khoa Địa lý–Địa chất đã đáp ứng yêu cầu cơ bản cả lý thuyết và thực tập trong phòng và ngoài trời. Cũng là một cơ duyên cho ngành Địa chất là ở địa bàn huyện Đại Từ lại có rất nhiều vết lộ và hiện tượng địa chất tiêu biểu, lại dễ dàng tổ chức các chuyến thực tập mà do chính thầy Chiển và thầy Thanh hướng dẫn. Những lộ trình thực tập địa chất Đại cương ở Núi Võ, Núi Văn, Núi Pháo, Tam Đảo, Sông Công, Núi Chúa. Thực hiện lộ trình thầy–trò K1 đã tìm ra mỏ barit Lục Ba là những kỷ niệm không thể nào quên.

Từ năm 1966–1967 sinh viên K1 và K2 ở trọ trong nhà dân của xóm Đồng Tiến và Đồng Muối, K3 ở nhà tự làm ở đồi Lá Mua xung quanh khu cây Thát Mát có nhà thầy Chiển với 2 giảng đường trên đồi sim nửa chìm, nửa nổi và nhà ăn do Thầy trò tự xây dựng. Tại 2 giảng đường này hình ảnh các thầy Khoa Toán, Khoa Lý và Khoa Hóa phải đi xe đạp từ 5–7km để đến dạy các môn cơ bản một cách nhiệt tình vẫn còn in đậm trong tâm trí của sinh viên K1, K2 và K3 Khoa Địa lý–Địa chất. Những bài giảng hết sức hấp dẫn của thầy Đàm Trung Đồn về vật lý đại cương và vật lý phân tử, thầy Lê Xuân Cận về giải tích, thầy Nguyễn Văn Vĩnh về hình giải tích, thầy Võ Đức Tôn về phương trình vi phân, thầy Vũ Đăng Độ về hóa học vô cơ. Đã 50 năm trôi qua mà những hình ảnh đó vẫn như của mới hôm qua, hôm kia.

Đến 1968 Khoa Địa lý–Địa chất lại di dời một lần nữa vào khu Đát Dần. Thầy Chiển vào ở trọ nhà dân gần đó. Thầy trò lại một lần nữa vào rừng lấy gỗ và tre nứa về làm nhà ở cho sinh viên, làm giảng đường để học và phòng thí nghiệm địa chất đại cương, phòng kính hiển vi phân cực và phòng thực tập bản đồ địa chất cấu tạo.

Một điều hết sức kỳ lạ là cuộc sống thiếu thốn như vậy nhưng ai cũng chăm học và học tốt. Thầy Chiển và thầy Thanh luôn quan tâm đến dạy và học tiếng Nga. Thầy đặt ra yêu cầu phải đọc dịch được tài liệu tiếng Nga thì mới làm được luận văn tốt nghiệp. Thầy trò ăn không đủ no vì thiếu gạo phải độn mì và ngô, mặc không đủ ấm vì mùa đông ở núi rừng Thái Nguyên rét cắt da cắt thịt nhưng hàng ngày sinh viên học một buổi còn một buổi phải đi lao động như: vào rừng lấy gỗ, tre, nứa về làm nhà hoặc lấy củi về cho nhà bếp nấu cơm. Cuộc sống của những ngày sơ tán của thầy trò Khoa Địa lý–Địa chất nói riêng và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung có thể ví như những người lính ở chiến trường. Nghị lực phi thường và niềm tin vào lý tưởng đã giúp họ vượt qua tất cả, khoa Địa lý–Địa chất kết thúc giai đoạn sơ tán lần thứ nhất.

II. Thi kỳ sơ tán ln th 2 (1969-1970)

Năm 1969 từ Lục Ba chuyển về xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thầy trò Khoa Địa lý–Địa chất một lần nữa phải ở trọ nhà dân nhưng giảng đường và nhà ăn thì tự xây dựng. Lúc bấy giờ giặc Mỹ vẫn tiếp tục ném bom Miền Bắc. Ở miền Nam sau cuộc tấn công Mậu Thân 1968, chiến sự trở nên ác liệt hơn vì vậy cuộc sống sinh hoạt và thực tập của sinh viên K1, K2, K3 và K4 rất khó khăn, thiếu thốn vẫn như thời kỳ sơ tán ở xã Lục Ba.

Cuối năm 1969 tất cả sinh viên K1 được gửi đến các đoàn địa chất thực tập 6 tháng làm luận văn tốt nghiệp. Đến tháng 7/1970 Lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp cũng được tổ chức ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là “mẻ thép” đầu tiên của Khoa Địa ra “lò”. Trong số 74 người khóa 1 chỉ có 2/3 là được bảo vệ luận văn còn lại là thi tốt nghiệp. Kết quả điểm tốt nghiệp phân hóa rất khác nhau. Bên cạnh có hơn 1/3 luận văn đạt điểm xuất sắc thì có 5 người trượt tốt nghiệp. Điều đó thể hiện sự đánh giá công bằng và khách quan của thầy Nguyễn Văn Chiển. Đây là phương pháp đánh giá đúng để chọn những tài năng xứng đáng. Thực tế cho thấy những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi thời ấy sau này đều trở thành những nhà khoa học giỏi, những nhà quản lý giỏi đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

III. Thi kỳ sơ tán ln th 3 (1970-1972)

Cuối năm 1970 đầu 1971, Khoa Địa lý–Địa chất chuyển từ Đông Anh về Hà Nội. Cán bộ khoa được bố trí ở nhà C3 Mễ Trì. Văn phòng Khoa ở nhà A Thượng Đình, các bộ môn làm việc ở nhà Liên hợp Thượng Đình (nay gọi là nhà T1). Sinh hoạt ở Hà Nội được mấy tháng lại có lệnh đi sơ tán vào Cự Đà, Hà Tây. Thầy trò lại một lần nữa di dời toàn bộ cơ sở vật chất vào Cự Đà. Cán bộ và sinh viên ở trọ nhà dân còn giảng đường phải thuê nhà dân để dạy học. Tuy vậy, tình hình chính trị và chiến sự của đất nước lúc bấy giờ hết sức biến động và căng thẳng vì vậy Trường Đại học Tổng hợp một lần nữa lại phải sơ tán lên Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Phú Bình (Thái Nguyên).

Khoa Địa chất sơ tán ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tất cả mọi hoạt động lại lặp lại như thời sơ tán ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ. Biết bao nhiêu khó khăn thử thách nhưng thầy trò Khoa Địa lý–Địa chất vẫn trụ vững và đảm bảo tốt việc dạy và học.

Lúc bấy giờ đội ngũ cán bộ giảng dạy và nhân viên phục vụ của Khoa cũng được tăng cường. Ngành Địa chất vẫn có 2 bộ môn: Địa hóa và Địa chất song lực lượng cán bộ giảng dạy được tăng thêm so với thời kỳ ở xã Vĩnh Ngọc là 12 người, trong đó có 4 cán bộ giảng dạy, nguyên là sinh viên khóa 1 và 2 cán bộ giảng dạy nguyên là sinh viên khóa 2 mới ra trường (tương ứng với khóa 11 và khóa 12 của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), 4 cán bộ giảng dạy tốt nghiệp ở Liên Xô và 2 cán bộ giảng dạy từ Rumani.

IV. Thi kỳ Hà Ni (1973 đến nay)

Chấm dứt thời kỳ sơ tán, đầu năm 1973, sau khi ký hiệp định Paris, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chính thức về làm việc ở Thủ đô thân yêu. Khoa Hóa ở 19 Lê Thánh Tông, khối Hiệu bộ và các khoa còn lại làm việc ở Thượng Đình. Văn phòng Khoa Địa lý–Địa chất ở một số phòng ở nhà A còn các bộ môn và phòng thí nghiệm khối Địa chất thì ở nhà liên hợp (tầng 4) Thượng Đình.

Thời kỳ này cơ ngơi của khối Địa chất còn rất nghèo nàn bao gồm 1 phòng kính hiển vi MNH-8 kiêm thí nghiệm thạch học magma, trầm tích và biến chất, 1 phòng gia công mẫu chủ yếu mài lát mỏng thạch học, 1 phòng nghiên cứu cổ sinh với 2 kính soi lát mỏng cổ sinh đơn giản, 1 phòng hướng dẫn địa chất cấu tạo và vẽ bản đồ địa chất, 1 phòng hóa phân tích chung của toàn khoa.

Từ năm 1973 đến 1980 đội ngũ cán bộ giảng dạy được bổ sung 13 người trong đó chủ yếu là diện tốt nghiệp ở Liên Xô. Trên cơ sở nguồn nhân lực được bổ sung, năm 1975 bộ môn Khoáng sản được thành lập do PTS Vũ Chí Hiếu làm chủ nhiệm. Việc thành lập bộ môn Khoáng sản đã góp phần thúc đẩy khối Địa chất. Từ 1980 đến 1990, trong vòng 10 năm, đội ngũ cán bộ giảng dạy chỉ bổ sung được 01 người từ nguồn tại chỗ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ hẫng hụt cán bộ kế cận.

Một điển hình trong thời kỳ này sống theo chế độ tem phiếu, lương tháng chia 2 kỳ, nhưng luôn luôn bị trễ. Cuộc sống nói chung khó khăn. Cán bộ độc thân ở tập thể, 3 đến 4 người một phòng ở nhà C3, ăn cơm tập thể tại nhà ăn của trường. Cán bộ có gia đình ở khu nhà vách đất lợp giấy dầu. Điều kiện làm việc rất khó khăn. Thời kỳ này cuộc sống hết sức đơn điệu, nhiệm vụ chủ yếu là lên lớp khi có giờ, còn nghiên cứu khoa học rất mờ nhạt.

Từ năm 1971 Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp bắt đầu có chủ trương thi nghiên cứu sinh nước ngoài. Chỉ tiêu cho các khối rất ít. Thi trượt là chủ yếu, nhiều người thi tới 3 lần. Một bầu không khí luôn luôn căng thẳng ở trên đầu. Tiếp đó, năm 1974, Bộ có chủ trương làm nghiên cứu sinh trong nước đã tạo cơ hội cho cán bộ giảng dạy thi nghiên cứu sinh nước ngoài trượt được chuyển sang nghiên cứu sinh trong nước. Đây có thể được coi là bước sáng tạo trong đường lối đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ. Việc xét duyệt cho cán bộ đi thi NCS đã thực hiện theo hai thời kỳ: Thời kỳ trước 1980 Khoa cử đi thi ồ ạt; Thời kỳ sau 1980 Khoa thực hiện việc cử đi thi nghiên cứu sinh ngoài nước và trong nước theo nguyên tắc xếp hàng và ưu tiên cho bộ môn chưa có tiến sĩ.

Kết hợp nghiên cứu sinh ngoài nước và trong nước, từ 1973 đến 1990,  với sự nỗ lực vượt bậc, ngành địa chất đã đào tạo được 19 tiến sĩ. Trong hoàn cảnh đời sống khó khăn, có thể coi đây là thành quả to lớn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975, đất nước ta lâm vào tình trạng khó khăn, mọi thứ đều thiếu thốn, rồi chiến tranh biên giới năm 1979 và hoạt động phá hoại của Fulro ở miền Nam càng làm tăng sự căng thẳng về mọi mặt. Trong hoàn cảnh như vậy, năm 1979 Khoa Địa lý-Địa chất theo chủ trương lại một lần nữa chuẩn bị sẵn sàng đi sơ tán, các tài liệu, sách đã được đóng gói, đã cử người đi liên hệ vùng sơ tán. Không khí rất căng thẳng, bao trùm lên nhà trường. Cuối cùng tình thế thay đổi, việc đi sơ tán đã không xảy ra.

Mặc dù muôn vàn khó khăn, Khoa Địa lý-Địa chất đã cử nhiều cán bộ vào Nam ngay trước ngày giải phóng tham gia điều tra, nghiên cứu tài nguyên khoáng sản. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), năm 1978 khoa đã tham gia thực hiện Chương trình điều tra tổng hợp Tây Nguyên 1 do GS. Nguyễn Văn Chiển làm chủ nhiệm.

Từ năm 1980 đến 1990 đời sống cán bộ lâm vào tình trạng khốn khó. Khẩu hiệu lúc đó là: Chúng ta hãy tự cứu trước khi trời cứu. Các khoa trong Trường đã tự tìm ra hình thức hoạt động nhằm cải thiện đời sống. Khoa Toán đi tiên phong, đã tổ chức sản xuất sơn, khoa Lý lắp ráp vô tuyến, khoa Địa chất sản xuất gạch hoa lát nền, xây dựng Trung tâm Khoáng chất công nghiệp đem khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ra chủ trương xuất khẩu lao động, đi chuyên gia của nhà nước cũng được phổ biến sâu rộng. Cán bộ nhà trường đã khai thác mọi điều kiện để cải thiện cuộc sống. Có thể nói đây là thời kỳ phân tán trí tuệ, kìm hãm sự phát triển của một trường đại học. Chính thời kỳ này đã dẫn đến nguy cơ hẫng hụt cán bộ sau này.

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, cán bộ khối địa chất với tầm nhìn phát triển, ngoài củng cố 03 bộ môn (Địa hóa, Địa chất và Khoáng sản) đã nỗ lực thành lập Bộ môn Trầm tích và địa chất biển vào năm 1986. Như vậy trong khối địa chất đến năm 1986 đã có 04 bộ môn. Việc thành lập Bộ môn Trầm tích và địa chất biển được xem như bước phát triển mới trong ngành địa chất, mở đầu cho thời kỳ đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho lộ trình nghiên cứu biển của đất nước. Tiếp theo là bộ môn Địa động lực được thành lập đã làm cho cơ cấu hệ thống đào tạo của Khối địa chất được hoàn thiện.

Sau 1990 các đề tài khoa học mở ra, các chương trình mới được thực hiện, ở khoa Địa chất có chương trình 52E rồi chương trình hợp tác với Pháp.  Tổng cục địa chất mở Dự án nghiên cứu, điều tra khoáng sản rắn biển nông ven bờ Việt Nam từ 0 đến 30 m nước (1990- 2000). Đó là những điều kiện quan trọng làm cho nghiên cứu khoa học ở Khoa khởi sắc, tạo điều kiện cho một số cán bộ trẻ phát huy được năng lực của mình, đã trưởng thành nhiều về chuyên môn. Trong thời kỳ này đã có một loạt các luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) đã được bảo vệ cùng với một số bảo vệ ở nước ngoài đã làm thay đổi chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy.

GIAI ĐOẠN 1996 – NAY

Từ 1996 đến nay là thời kỳ Khoa phát triển độc lập.

Khi thành lập Khoa, Khoa Địa chất đã có đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Lãnh đạo Khoa Địa chất ngay ở buổi ban đầu đã năng động và nhạy bén với thực tế, mạnh dạn đổi mới nội dung đào tạo và phát triển cơ cấu tổ chức. Đã đánh giá đúng tầm quan trọng của Dự án đào tạo hệ cử nhân khoa học tài năng và sự cần thiết phải thành lập bộ môn Địa Kỹ thuật – Địa chất môi trường với mục đích: 1. Khắc phục nguy cơ hẫng hụt cán bộ kế cận; 2. Khắc phục lạc hậu tạo điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế. Với quyết tâm cao năm 1996 bộ môn Địa kỹ thuật- Địa chất môi trường được thành lập và từ năm 1997 Khoa dồn mọi nguồn lực để thực hiện Dự án đào tạo cử nhân Địa chất hệ tài năng. Tiếp thành lập  bộ môn Địa chất Dầu khí (2000), mở mã ngành Địa Kỹ thuật – Địa chất môi trường (2004), thành lập bộ môn Địa vật lý ứng dụng (2006) và mở ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên và Môi trường (2008). Một loạt sự kiện đã diễn ra thể hiện sự đúng đắn trong tư duy, nhận thức và hành động phù hợp với xu thế phát triển. Riêng việc thực hiện 06 khóa đào tạo cử nhân Địa chất hệ tài năng (1997-2006) có ý nghĩa rất quan trọng, đã tạo ra nguồn lực chất lượng cao bổ sung cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa, đã khắc phục được tình trạng hẫng hụt cán bộ có hiệu quả, mặt khác còn thể hiện Khoa Địa chất có đầy đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với tư cách là Khoa độc lập, Khoa đã đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, mở ra nhiều đề tài các cấp, chủ trì nhiều đề tài, dự án và chương trình khoa học cấp Nhà nước, đưa nghiên cứu khoa học của Khoa lên một tầm cao mới. Nhờ hoạt động khoa học đã thúc đẩy, tạo điều kiện cho đào tạo sau đại học phát triển. Kết quả là nhiều luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ đã được bảo vệ với chất lượng cao.

Trong những năm gần đây, Khoa Địa chất được Nhà nước, ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đầu tư và nâng cấp các phòng thí nghiệm. Khoa Địa chất có đội ngũ cán bộ trình độ cao cùng với đội ngũ cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản đạt học vị tiến sĩ, có trình độ ngoại ngữ tốt đã làm chủ các thiết bị hiện đại, tạo nên sức mạnh có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học có hiệu quả phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

———————————-KDC————————————-