Tin tức & Sự kiện
DANH MỤC CÁC HỌC PHẦN TƯƠNG ĐƯƠNG (2/2025)
Nhà trường ban đã hành danh mục các học phần tương đương giữa các CTĐT điều chỉnh năm 2023 và các CTĐT ban hành trước năm 2019-2020 tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Danh sách các học phần tương đương được áp dụng cho sinh viên học tập thay thế hoặc chuyển đổi điểm các học phần tương đương tương ứng vào kết quả tích lũy theo chương trình đào tạo.
Dưới đây là danh sách các học phần do Khoa Địa chất phụ trách. Dánh sách đầy đủ xem trong link cuối bài đăng này.
Danh mục đầy đủ của Nhà Trường: HP tuong duong HUS
GẶP MẶT TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025
LỄ GẶP MẶT THÂN MẬT CÁC CỰU GIÁO CHỨC NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025
Ngày 17/01/2025, Khoa Địa chất đã tổ chức Buổi lễ Gặp mặt thân mật các cựu giáo chức nhân dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây là dịp để toàn thể cán bộ, giảng viên và các Thầy/Cô cựu giáo chức cùng nhau nhìn lại những nỗ lực, thành tựu nổi bật trong suốt một năm qua, đồng thời ghi nhận và tôn vinh những cá nhân, tập thể đã có những đóng góp xuất sắc, góp phần xây dựng và phát triển khoa.
Năm 2024 khép lại với những bước tiến mới trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế của Khoa Địa chất.
Lễ Gặp mặt cuối năm 2024 không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một năm thành công mà còn là bước khởi đầu để Khoa Địa chất hướng đến những mục tiêu mới, tiếp tục vững bước trên sự nghiệp giáo dục.
#KhoaDiaChat #Gapmatcuoinam
CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/2024
CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
Ngày 19/11, Khoa Địa chất tổ chức buổi lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam. Đây là sự kiện kỷ niệm, tri ân tới các thầy cô – những người đã và đang truyền ngọn lửa nhiệt huyết và niềm say mê nghiên cứu Địa chất và Khoa học Trái Đất cho từng khóa sinh viên của Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Đặc biệt, trong buổi lễ kỷ niệm năm nay, Khoa Địa chất đã vinh danh và chúc mừng GS. Mai Trọng Nhuận được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Buổi lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là sự kiện thường niên của Khoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn kết các thế hệ thầy và trò Khoa Địa chất.
Ơn dạy dỗ cao dường hơn núi
Nghĩa thầy cô như nước biển khơi
Khoa Địa chất xin được gửi tới Quý thầy cô lời chúc chân thành nhất. Kính chúc tất cả thầy cô luôn hạnh phúc, vui vẻ, sức khoẻ dồi dào để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đưa những chuyến đò cập bến tương lai.
Happy Teacher’s Day
Chúc mừng TS. Lưu Việt Dũng đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2024
——————–
Ngày 19/11/2024, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-HĐGSNN công nhận các nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024. Năm nay, thầy Lưu Việt Dũng vinh dự là một trong số 11 nhà giáo của Trường ĐHKHTN được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư.
Xin nhiệt liệt chúc mừng thầy Lưu Việt Dũng là giảng viên trẻ nhất của Khoa Địa chất đạt được thành tích này!
Ảnh: Lãnh đạo Nhà trường trao công nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư năm 2024 cho các nhà giáo trong Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (HUS-VNU Fanpage)
H.N.
Thiên Thảo
Tuyển sinh năm 2025
Màn Debut ấn tượng Tân sinh viên K69
Chủ nhân màn Debut ấn tượng trong buổi Gặp mặt Tân sinh viên K69 của Khoa Địa chất là ai???
==========================================
Một clip ngắn ghi lại tiết mục múa dẻo vô cùng điêu luyện trên nền nhạc “Một vòng Việt Nam” mới được đăng tải đã gây hiệu ứng lớn trên Fanpage Trường ĐHKHTN. Thay vì tâm lý ẩn mình khi đến với môi trường mới của đa số, tân sinh viên Diệu Linh đã phá tảng băng đè nén, mời gọi các bạn đứng lên “Come with me we’ll travel around Việt Nam”. Dường như chưa cần ánh đèn sân khấu cầu kỳ, một khi nốt nhạc cất lên cô gái xinh đẹp đến từ Thái Bình đã tự tin bay cao, phá tan những nỗi niềm riêng của một tân sinh viên, chạy thẳng vào tim thầy cô và bạn bè. Sau đây, xin hé lộ thông tin về Diệu Linh, nhân vật đã có màn ra mắt vô cùng ấn tượng trong tuần.
*********
Bio: Trương Thị Diệu Linh (Kiến Xương, Thái Bình)
Cựu học sinh THPT Nguyễn Du, Kiến Xương, Thái Bình
Thâm niên lớp trưởng: 7 năm
Tổ hợp trúng tuyển đại học: A00 (Toán-Lý-Hóa)
Sinh viên: Lớp K69 Quản lý Tài nguyên và Môi trường (1), Trường ĐH KHTN, ĐHQGHN.
*********
Chia sẻ của Diệu Linh:
“ Ngay khi mới học cấp 1, em đã tham gia tích cực các hoạt động văn nghệ của trường. Từ cấp 2 trở đi, em có cơ hội cùng chị gái tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ của Đoàn Thanh niên Thị trấn Kiến Xương. Từ đó em có nhiều cơ hội được giao lưu, học hỏi từ các anh chị trong BCH Đoàn giúp em có thêm sự tự tin và dần hình thành niềm đam mê văn nghệ để tham gia các hoạt động như bây giờ.
Em chọn #Ngành_Quản_lý_Tài_nguyên_và_Môi_trường theo định hướng của gia đình, với quan niệm học để hiểu biết sâu về tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài nguyên, ứng dụng giải quyết những vấn đề đang làm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, giúp cải thiện môi trường sống, khai thác có hiệu quả và bền vừng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Buổi gặp mặt Tân sinh viên Khoa Địa chất, em rất vui khi được gặp các thầy cô trong Khoa, các anh chị khoá trước và tất cả các bạn sinh viên khóa mới, đặc biệt là các bạn của lớp QLTN và MT1 cùng cô chủ nhiệm Trần Thị Thanh Nhàn. Cảm ơn các anh chị trong Ban Tổ chức sự kiện đã cho em cơ hội để ra mắt Khoa Địa chất!
Mặc dù đam mê văn nghệ nhưng em xác định không quên dành thời gian cho việc học. Em rất muốn tham gia vào một số CLB sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Hy vọng qua đó, em được học hỏi từ các anh chị đi trước để rèn luyện bản thân tốt hơn, phấn đấu theo các tiêu chí trở thành Sinh viên 5 tốt của Trường.”
*********
Theo đánh giá của giáo viên chủ nhiệm lớp, ngày trong ngày đầu tiên nhập học, “Diệu Linh thể hiện là sinh viên năng động, nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có tố chất để đảm nhiệm một vị trí quan trọng trong ban cán sự lớp K69 QLTN và MT 1”
TỰ HÀO TÂN SINH VIÊN K69
TỰ HÀO TÂN SINH VIÊN K69
Lê Diễm Hồng Minh, giải Ba học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Địa lý, được ghi nhận là Tân sinh viên K69 đầu tiên của Khoa Địa chất. Được biết, Hồng Minh là một trong số 16 bạn K69 xác nhận nhập học sớm nhất của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN năm 2024.
Lê Diễm Hồng Minh, học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú – Hải Phòng, giải Nhì HSG cấp thành phố, giải Ba HSG cấp Quốc gia môn Địa lý, đã trúng tuyển ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường theo phương thức xét tuyển thẳng (301). Hồng Minh đã xác nhận nhập học rất sớm, trước ngày 30/7, hạn chót của Bộ GD-ĐT để các thí sinh lựa chọn, thay đổi nguyện vọng.
Trước ngày nhập học tại Trường, nữ sinh Hải Phòng Hồng Minh chia sẻ: “Từ nhỏ, Minh luôn tò mò về những hiện tượng tự nhiên và sự vật xung quanh. Chính điều đó đã nuôi dưỡng trong mình sự yêu thích với môn học Địa lý và là động lực để mình theo đuổi môn học thú vị này. Đến năm nay, mình quyết định lựa chọn ngành học Quản lý Tài nguyên và Môi trường bởi lẽ đây là ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân!”
Dữ liệu thống kê cho thấy, Hồng Minh là một trong số 129 Tân sinh viên K69, thuộc hai ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường và Địa chất học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên do Khoa Địa chất quản lý. Số sinh viên trúng tuyển bằng các nguyện vọng thứ tự từ 1 đến 3 chiếm đến 70%. Tỉ lệ sinh viên nam và nữ khá cân bằng (47% nam – 53% nữ). Các tân sinh viên đến từ hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, trong đó các địa phương chiếm số lượng đông đảo nhất là Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và Bắc Ninh. Các bạn đến từ các tỉnh xa thủ đô phải kể đến Long An, Lâm Đồng, Đắk Nông, Khánh Hòa và Quảng Bình. Đặc biệt, có hai tân sinh viên đã là Đảng viên Đảng CSVN.
Về tổ chức lớp, Tân sinh viên K69 Quản lý Tài nguyên và Môi trường được chia thành 2 lớp. TS. Trần Thị Thanh Nhàn có nhiều năm kinh nghiệm là GVCN lớp 1. TS. Tạ Thị Hoài có lần đầu là GVCN được phân công cho lớp 2. TS. Bùi Văn Đông lần đầu là GVCN đảm nhiệm lớp K69 Địa chất học, ít sinh viên hơn hai lớp QLTN-MT. Thầy Đông có nhiều năm kinh nghiệm làm giảng dạy và đã từng đảm nhiệm vị trí Bí thư Liên chi đoàn của Khoa. Các thầy cô đã rất tích cực trong việc tạo kết nối và hỗ trợ sinh viên và phụ huynh trong quá trình chuẩn bị nhập học. Dự kiến GVCN sẽ phân công ban cán sự lớp trong ngày đầu tiếp nhận và gặp gỡ tân sinh viên. Năm vừa qua, các GVCN các khoá của Khoa được chấm điểm TB 4.7/5, cao nhất Trường.
Hẹn gặp tất cả 129 Tân sinh viên trong buổi làm thủ tục nhập học vào sáng thứ Bảy, ngày 24/8/2024 (P509 nhà T3-T4). Các bạn đừng quên tham dự buổi Gặp mặt Tân sinh viên của Khoa vào 8h30 thứ Ba, ngày 27/8/2024 tại Phòng Bảo tàng, P604, Tầng 6 nhà T5. Thầy cô và đặc biệt là các anh chị sinh viên các khóa đang rất hào hứng và chuẩn bị vô cùng tích cực cho buổi gặp mặt đầu tiên. Có vẻ rất nhiều quà bất ngờ đang chờ đón K69!
L.D.H.M.
H.N.
Lễ trao bằng cử nhân K65
Sáng ngày 30/6/2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tổ chức Lễ trao bằng cử nhân cho sinh viên hệ đại học chính quy tốt nghiệp đợt tháng 6 năm 2024.
Chúc mừng 13 bạn đầu tiên của K65 Quản lý Tài nguyên và Môi trường đã TỐT NGHIỆP Đợt 1 đúng hạn!
Trong đó, nhiệt liệt chúc mừng sinh viên Đỗ Hữu Toàn (GPA: 3.74) và sinh viên Dương Thị Quỳnh Hoa (GPA: 3.65) xếp hạng xuất sắc đầu ngành.
Chúc các bạn vững bước tương lai và hy vọng mỗi cá nhân trở thành sứ giả của Khoa Địa chất trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ với vai trò CỰU SINH VIÊN!
Thien Thao
Sinh viên & Cựu sinh viên
TỔNG KẾT HỌC BỔNG 2024: SINH VIÊN KHOA ĐỊA CHẤT NHẬN TỔNG CỘNG ~400 TRIỆU
SINH VIÊN KHOA ĐỊA CHẤT NHẬN 400 TRIỆU HỌC BỔNG NĂM 2024
Thống kê năm 2024 cho thấy, sinh viên các khóa của Khoa Địa chất đã nhận tổng cộng ~400 triệu từ các quỹ học bổng khác nhau. Nguồn tài trợ chính chủ yếu đến từ quỹ học bổng của Nhà trường, các tập đoàn, công ty, ngân hàng và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước. Điều đáng lưu ý so với các năm trước là 35% số kinh phí được trao sinh viên năm thứ nhất (K69).
Tính trong toàn Khoa, K69 Địa chất+CLC là lớp nhận được tổng số tiền học bổng cao nhất. Nguyễn Khánh Linh – K66 CNQT là sinh viên nhận được học bổng giá trị cao nhất bằng tiền (29 triệu). Phạm Gia Linh-K66 CLC Địa chất là sinh viên giành tổng số tiền học bổng cao nhất trong năm (45 triệu). Giang Ngọc Thảo-K66 CNQT, ngoài một số học bổng bằng tiền, còn nhận được học bổng đi trao đổi sinh viên tại ĐH Ibaraki – Nhật Bản
Có được thành công này là nhờ sự ủng hộ tuyệt vời của các thầy cô Phòng Chính trị-Công tác Sinh viên, Phòng Hợp tác và Phát triển Trường ĐHKHTN cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình của TS. Trần Thị Dung – Trợ lý CTSV Khoa Địa chất. Đặc biệt không thể không nhắc đến đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ của toàn thể sinh viên Khoa Địa chất.
Trong không khí mùa Giáng sinh và năm mới đã cận kề, chúc các bạn có một kỳ thi học kỳ thắng lợi, giành điểm cao để tiếp tục giấc mơ học bổng.
Wishing you a Merry Christmas and a Happy New Year!
H.N.
Khoa học Công nghệ
Quỹ NAFOSTED tài trợ nghiên cứu TRẦM TÍCH HỒ-CỔ KHÍ HẬU TÂY NGUYÊN
Quỹ NAFOSTED tài trợ nhóm nghiên cứu mạnh về TRẦM TÍCH HỒ-CỔ KHÍ HẬU TÂY NGUYÊN
Trong tuần qua, Nhóm nghiên cứu về trầm tích hồ và cổ khí hậu (EOS group) Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN đã lập được hai dấu mốc quan trọng:
(1) Thu thập nguyên dạng lõi trầm tích hồ đạt tới độ sâu kỷ lục 55 m trong trầm tích, dự đoán cho tuổi 120-150 ngàn năm.
(2) QUỸ NAFOSTED chính thức thông báo tài trợ cho nhóm EOS ở dạng đề tài nghiên cứu cơ bản do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện.
Tháng 12/2024, Nhóm nghiên cứu gồm các thành viên Khoa Địa chất và đối tác tại ĐH Indiana (Hoa Kỳ) đã tiến hành khảo sát hồ núi lửa Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Mục tiêu của đoàn nhằm thu thập nguyên dạng các lõi trầm tích tầng sâu để nghiên cứu cổ khí hậu. Sau hơn 2 tuần làm việc liên tục, nhóm đã thành công trong việc thu thập các lõi trầm tích có chiều sâu tổng cộng đạt tới 55 m trong trầm tích. Đây có thể coi là kỳ tích chưa từng có ở Việt Nam.
Thành tích này vượt qua kỷ lục 25 m trước đó của nhóm đạt được tại Biển Hồ năm 2021, cho niên đại 57 ngàn năm. Dự đoán lõi trầm tích mới thu thập được sẽ cho phép cung cấp dữ liệu liên tục về cổ khí hậu khu vực Tây Nguyên Việt Nam trong khoảng 120-150 ngàn năm đã qua, góp phần quan trọng vào dữ liệu toàn cầu về lịch sử gió mùa, kéo dài qua hơn một chu kỳ băng hà lớn của Trái đất.
Ngay sau chuyến thực địa, tin vui lại đến với nhóm EOS. Ngày 20/12/2024, Quỹ NAFOSTED chính thức thông báo tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên cho các nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện từ năm 2025. Trường ĐHKHTN có 5 nhóm nghiên cứu được tài trợ, trong đó có đề tài về cổ khí hậu và sức khỏe của các hồ ở Tây Nguyên do TS. Nguyễn Văn Hướng làm chủ nhiệm. Đây là ghi nhận quan trọng trong tiến trình phát triển của Nhóm EOS, tạo cơ sở xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về trầm tích hồ và cổ khí hậu tại Khoa Địa chất trong tương lai.
TS. Nguyễn Văn Hướng cho biết: “Để đạt tới 55 m trong trầm tích, chúng tôi đã trải qua gần 10 năm nghiên cứu và phát triển trang thiết bị lấy mẫu trầm tích. Khác với các công tác khoan địa chất-địa chất công trình truyền thống, nghiên cứu cổ khí hậu từ trầm tích bở rời như các trầm tích hồ ở Tây Nguyên đòi hỏi độ phân giải cao, nên yêu cầu cần phải lấy lõi trầm tích liên tục. Khi mực nước hồ sâu 20 m, điều kiện làm việc cũng hoàn toàn khác trên cạn. Các giàn khoan của các tổ chức khoan lục địa và đại dương quốc tế (ICDP và IODP) có thể dễ dàng đạt đến độ sâu 500 m trong trầm tích, như hồ Towuti ở Indonesia, nhưng chi phí lên tới hàng triệu USD cho một chuyến khảo sát.
Hơn nữa Biển Hồ được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt nên không thể triển khai các giàn khoan lớn. Các hệ thống thiết bị sử dụng cho các hồ nhỏ như Biển Hồ do nước Đức sản xuất có thể đạt đến độ sâu khoảng 100 m, nhưng giá của một bộ thiết bị cũng không hề thấp. Do không có điều kiện tiếp cận các bộ thiết bị của nước ngoài, chúng tôi đã tự chế tạo và dần cải tiến các thiết bị lấy mẫu.
Năm 2015-2016, nhóm chỉ lấy được lõi trầm tích sâu khoảng 1 m. Đến năm 2017-2018 dần đạt đến độ sâu 4 m, 6 m và 15 m. Tháng 4/2021, chúng tôi đạt đến độ sâu 25 m. Năm 2024, với sự cải tiến vượt bậc về kỹ thuật và thiết bị, chúng tôi đã đạt đến độ sâu 55 m. Các cải tiến khiến đội lấy mẫu vận hành nhanh hơn, khả năng xuyên sâu lớn mà không cần dùng nhiều sức người.
Thiết bị do chúng tôi chế tạo có hai điểm mới tiến bộ vượt bậc, có thể coi là bí quyết công nghệ, so với các bộ thiết bị tương đương hiện có trên thị trường, có tiềm năng để đăng ký sở hữu trí tuệ cũng như công bố trên các tạp chí chuyên ngành.
“Sau đợt thử nghiệm thành công thiết bị mới tại Biển Hồ lần này, khi triển khai đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ từ năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục công tác lấy mẫu tại Biển Hồ nhằm lấy mẫu lõi lưu trữ song song với lõi đã thu thập và kỳ vọng đạt đến độ sâu lớn hơn, cho đến tới hạn của phương pháp hoặc khi tới đá cứng. Ngoài Biển Hồ, chúng tôi sẽ nhắm đến các hồ tự nhiên khác ở Tây Nguyên để đan dày phân bố không gian của dữ liệu cổ khí hậu” – TS. Nguyễn Văn Hướng cho biết thêm.
Thật là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ và phấn đấu bền bỉ của các thành viên nhóm nghiên cứu về cổ khí hậu từ trầm tích hồ Tây Nguyên. Nhiệt liệt chúc mừng thành tựu mới của nhóm EOS !
DCIM100MEDIADJI_0885.JPG