VỀ MỘT VÀI ĐIỂM DỪNG ĐÁNG LƯU Ý TRONG HÀNH TRÌNH DU LỊCH TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) có diện tích 2.350 km2, gồm 4 huyện miền núi của tỉnh Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc [H.1], trong đó hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc được coi là vùng lõi, cấu tạo chủ yếu từ đá vôi tuổi Carbon – Permi.

Giá trị di sản của CNĐĐV thể hiện trước hết ở đa dạng địa chất – địa mạo, ở những di sản địa chất đơn lẻ, thường liên kết thành những cụm di sản có giá trị đặc biệt, ở các di sản văn hóa, đa dạng sinh học, có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học và giáo dục.

Bài báo nhỏ này muốn giới thiệu về một số điểm dừng đặc biệt trong hành trình du lịch trên Công viên địa chất, chủ yếu thuộc hình loại di sản địa mạo.

Hình 1. Sơ đồ vị trí Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

1. Nhóm “tượng” Thạch Sơn Thần trên cao nguyên Làng Đán

Điểm di sản này nằm trên địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (23o01’34’’B, 104o58’17’’Đ). Đây là nhóm 8 cột đá vôi còn sót lại trên nền khá bằng phẳng của cao nguyên Làng Đán vốn là một cánh đồng karư tàn. Sự hình thành dạng địa hình karst độc đáo này là một điều lý thú. Các cột đá có kích thước trung bình, cao khoảng 5-8m, dựng đứng trên nền đất khá bằng phẳng của cao nguyên [H. 2]. Thông thường một tầng đá vôi sau khi trải qua quá trình phong hóa lâu dài có thể còn lại những quả núi sót, những rừng đá điệp trùng, hoặc những tháp đá đơn độc. Trường hợp để lại một nhóm cột đá như ở Quyết Tiến là điều hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Hình 2. Nhóm “tượng” Thạch Sơn Thần

Đứng trước nhóm cột đá sừng sững nơi cửa ngõ vào cao nguyên đá, vây quanh là những quả núi xinh xắn dạng chóp đôi, chóp đơn, có cảm tưởng như đây là các sứ giả của Cao nguyên đá Đồng Văn được cử tới đứng bên đường nghênh tiếp du khách từ khắp phương trời đến với vùng núi non hùng vĩ này. Tên gọi Thạch Sơn Thần được chúng tôi cùng đoàn công tác thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đề xuất vào năm 2008 cũng với ý nghĩa đó.

Dừng lại nơi đây du khách có thể biết thêm về một loại địa hình karst độc đáo, nhóm cột đá có một không hai trên đất nước. Các sinh viên địa chất thì được trực tiếp nghiên cứu đá vôi của hệ tầng Khao Lộc (D1-2 kl), là hệ tầng duy nhất ở Việt Nam mà trong đó gần như toàn bộ 2 thống Devon hạ và Devon trung đều là trầm tích carbonat, chủ yếu là đá vôi.

 Nhìn nhóm cột đá, có thể mường tượng tới những công trình Cự thạch – Cột đá (menhir) – do người xưa tạo dựng ở một số nơi thuộc châu Âu. Nhưng đó là những công trình nhân tạo, không thể sánh với nhóm “tượng” Thạch Sơn Thần đẹp đẽ thiên tạo này được.

2. Thành đá Đông Hà, Quản Bạ

Thành đá này nằm trên địa phận xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang (23o03’15’’ B, 105o01’18’’ Đ), bên đường  Quản Bạ đi Yên Minh.

Nhìn lên sườn núi bên phải du khách có có thể thấy nhiều khối đá vôi nhô lên với hình thù ngoạn mục, dáng thay đổi theo các góc nhìn khác nhau. Đặc biệt nhất khi chúng hiện lên mang dáng dấp của Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc, có cả các “bốt gác” và “tường thành”. Đây là một trong những điểm di sản mang tính hoành tráng nhất giữa không gian mênh mông của cao nguyên đá Đồng Văn [H. 3].

Hình 3.  Thành đá Đông Hà

3. Pho tượng Quan Âm Bồ Tát bí ẩn trên vách đá Cán Tỷ

Nhìn lên vách đá lưng chừng núi, phía phải quốc lộ 4C, đoạn qua xã Cán Tỷ, cách TP Hà Giang 61km (23º07’29’’ B, 105º01’21’’ Đ), du khách sẽ ngỡ ngàng khi thấy một pho tượng với gương mặt thân quen, dường như đã gặp ở đâu đó trong đời [H. 4]. Đúng rồi, đó là pho tượng từng được tạc với bốn mặt quay về bốn hướng trên các tháp cao của khu đền Bayon ở trung tâm quần thể Angkor Thom của Campuchia. Có những học giả cho rằng các pho tượng đó thể hiện gương mặt của nhà vua Jayavarman VII, có người lại cho đó là gương mặt Quan thế âm Bồ Tát với lý luận rằng vua Jayavarman VII là một Phật tử nên đã cho hình ảnh Phật và Bồ Tát là chính mình. Nhìn chung các pho tượng của đền Bayon có hướng nhìn xuống, về các hướng khác nhau, như thể quan sát và che chở cho chúng sinh.

Thật thú vị khi trên đường lên cao nguyên đá Đồng Văn, du khách cũng được chiêm ngưỡng một trong vô số pho tượng ngự trên các đỉnh tháp của đền Bayon – một pho tượng hoàn toàn do Thiên nhiên tạo tác.

Hình 4. Pho tượng Bayon bí ẩn trên vách đá

4. Vách Ảo Giác

Điểm di sản này nằm bên trái đường ô tô Yên Minh đi Đồng Văn, thuộc địa phận xã Vần Chải, huyện Đồng Văn (23o10’23’’ B, 105o11’18’’).

Vách đá vôi trắng của hệ tầng Hồng Ngài tuổi Trias cách nay khoảng 230 triệu năm, ngăn cách với quốc lộ 4C bởi một thung lũng hẹp. Nhìn vách đá trước mặt mình ai cũng thấy nó thật gần. Nhưng thực ra không phải như vậy, đó chỉ là ảo giác. Rất nhiều người đã thử sức cầm viên đá ném qua, nhưng chưa ai ném tới vách đá ngay trước mặt mình này. Vách đá là biểu hiện của ảo giác “gần mà xa”, khiến ai cũng muốn dù một lần “ném thử xem” [H. 5].

Hình 5. Vách Ảo Giác, xã Vần Chải, Đồng Văn.

5. Mỏm Trống

Đây là một điểm dừng ngắm cảnh ngoạn mục nhất trên đèo Gió, đoạn từ bản Si Phài đi bản du lịch văn hóa Thiên Hương (23º17’24’’ B, 105º22’40’’ Đ).

Để ngắm cảnh ngọn núi Tu Sán cao nhất vùng Đồng Văn (1.500m) sừng sững đứng bên lưu vực sông Nho Quế sâu thẳm thì không điểm ngắm nào tuyệt vời hơn nơi đây. Con đường đèo ngoằn ngoèo, lộng gió bên sườn núi Pô Lò, nối liền hai bản Si Phài và Mã Pắng cắt ngang một lườn đá vươn về phía thung lũng sông Nho Quế. Phần phía đông bắc của nó bị tách ra thành một mỏm đá đứng chênh vênh giữa đất trời, được gọi là Mỏm Trống [H. 6].

Hình 6. Mỏm Trồng nằm bên phải đường Si Phài đi Mã Pắng. Bên kia sông Nho Quế,
phía mờ xa là đất Trung Quốc.

Hình 7. Mỏm Trống và đinht núi Tu Sán.

Mỏm đá cấu thành từ đá tuổi Devon này, cách nay khoảng 400 triệu năm, đủ chỗ để một nhóm du khách khá đông trèo lên vãn cảnh. Thứ đá phân lớp ở đây dường như có thế nằm ngang, tạo nên những bậc đá tự nhiên, vững trãi, rất thuận tiện cho việc đi lại. Trên những bậc đá phía ngoài cùng của Mỏm Trống hiện ra các kết hạch vôi lớn và độc đáo trên nền đá sét vôi của hệ tầng Si Phai [H. 8].  Từ Mỏm Trống này du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn mây trời, non nước. Con sông Nho Quế chảy dưới đáy sâu kia tạo nên một thung lung khổng lồ, không hiếm khi bồng bềnh sương khói. Bên kia sông, đối diện với núi Tu Sán là nhấp nhô muôn đỉnh đá vôi của huyện Mèo Vạc hoặc Trung Quốc (H. 6 và 9). Nhìn xuống dưới sâu ta thấy hiện ra những nếp nhà xinh xắn thuộc bản Má Lủ của người Giấy (H. 10), ngước lên cao về phía đỉnh Pô Lò – là những mái nhà trình tường và xếp đá của tiêu biểu của người Mông thuộc bản Mã Pắng (H.11).

Hình 8. Kết hạch vôi lớn trên nền đá sét vôi hệ tầng Si Phai.

Hình 9. Những ngọn núi nhấp nhô bên Mèo Vạc phía bên kia sông Nho Quế.

Mỏm Trống thực sự là điểm ngắm cảnh lý tưởng trên cao nguyên đá Đồng Văn, tương tự như đồi Vọng Cảnh của xứ Huế. Thiết nghĩ trong hành trình du lịch lên Cao nguyên đá, du  khách không nên bỏ qua điểm ngắm cảnh lý tưởng chỉ cách thị trấn Đồng Văn chừng 3km về phía Đông Bắc này. Trên đường đến Đỉnh Trống, du khách cũng có thể dừng ít phút bên di sản Ranh giới địa chất F/F, nơi ghi dấu của 1 trong 5 kỳ tuyệt diệt hàng loạt của sinh giới trong lịch sử trái đất, hoặc điểm di sản Đá vôi vân đỏ – thứ đá vôi đẹp nhất, tiêu biểu cho giai đoạn cuối cùng của biển Devon trong vùng Cao nguyên đá ngày nay.

Hình 10. Dưới sâu kia là những mái nhà xinh xắn của bản Má Lủ.

Hình 11. Nhìn lên cao là những nếp nhà của bản Mã Pắng hiên ra lừng chừng núi.

6. Hẻm vực Tu Sản trên đèo Mã Pì Lèn

Hẻm vực nàỳ nằm gần bản Tu Sản, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Điểm quan sát tốt nhất nằm ở km 8 cách thị trấn Mèo Vạc trên đoạn đường Hạnh Phúc nối liền hai thị trấn Đồng Văn – Mèo Vạc.

Hình 12. Hẻm vực Tu Sản

Thung lũng sông Nho Quế hình chữ V hẹp, kéo dài trên 30km kể từ nơi con sông đổ vào đất Việt. Những nơi dòng sông cắt qua khối đá vôi đã tạo hẻm vực với hai vách dốc đứng. Hẻm vực Tu Sản là hẻm vực dễ quan sát nhất từ khu vực đỉnh đèo Mã Pì Lèn, cũng là hẻm vực hùng vĩ nhất Đông Dương, có vách đá cao tới 600-700m (Tạ Hòa Phương và nnk, 2008). Địa hình chênh vênh, sâu thẳm của các hẻm vực luôn mang lại ấn tượng mạnh, vì thế hẻm vực Tu Sản luôn là một trong những điểm đến cuốn hút du khách nhất trên CNĐĐV. Tuy nhiên, vì nằm trong thung lũng sông Nho Quế sâu thẳm, nên hẻm vực thường bị sương mù che phủ. Chỉ những lúc trời quang, nó mới phô ra tất cả vẻ đẹp quyến rũ của mình [H. 12].

Tác giả: GS. TS. Tạ Hòa Phương (Khoa Địa chất – Trường ĐHKHTN)

Tin Liên Quan