CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC (2024)
NGÀNH: ĐỊA CHẤT HỌC
MÃ TUYỂN SINH: QHT18
TỔ HỢP XÉT TUYỂN: 𝐀𝟎𝟎, 𝐀𝟎𝟏, D10, 𝐃𝟎𝟕
CHỈ TIÊU: 30 SV
- Bắt đầu đào tạo từ năm 1966, đã có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ngành Địa chất học, nhiều cựu sinh viên đang giữ những vị trí quan trọng trong công tác quản lý địa chất, tài nguyên khoáng sản và nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
- Khảo sát việc làm cho thấy 85% người học có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Đây là ngành đào tạo Địa chất đầu tiên ở VN đạt kiểm định chất lượng đào tạo quốc tế AUN – năm 2016 của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.
- Ngành Địa chất học định hướng nghiên cứu cơ bản, đang thu hút người học do đang được Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên đầu tư và cấp học bổng, hỗ trợ chi phí học tập. Sinh viên được ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ nhất, có thành tích đạt giải báo cáo khoa học, công bố nghiên cứu từ sớm sẽ mở ra cơ hội tìm kiếm học bổng sau đại học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
.
.
Thông tin chung
- Tên ngành: Địa chất học (Geology)
- Hệ đào tạo chuẩn (đại trà)
- Hệ đào tạo chất lượng cao: sau khi trúng tuyển vào ngành Địa chất và ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (hệ chuẩn), nếu có điểm đầu vào tốt, có thể nộp đơn để vào học lớp chất lượng cao. Chỉ tiêu tuyển lớp Chất lượng cao khoảng 5-10 SV. Sinh viên lớp Chất lượng cao được một số ưu tiên, trong đó có học bổng và đội ngũ giảng viên. Khoảng một nửa thời gian học chung với hệ chuẩn, thời gian còn lại học các môn riêng, tổng số tín chỉ lớn hơn 15 tín chỉ so với hệ chuẩn. Mục tiêu khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học từ sớm, tạo động lực cho người học tìm kiếm cơ hội học dau đại học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Học phí lớp chất lượng cao tương đương học phí hệ chuẩn.
.
.
- Các chuyên ngành đào tạo:
- (1) Địa chất học
- (2) Ngọc học – Đá quý
- (3) Công nghệ Địa kỹ thuật – Địa chất Môi trường
- Mã số: 7440201
- Danh hiệu tốt nghiệp: Cử nhân Địa chất
- Thời gian đào tạo: 4 năm
- Tên văn bằng sau tốt nghiệp: Cử nhân ngành Địa chất học (The Degree of Bachelor in Geology)
.
Mục tiêu
Mục tiêu chung
- Đào tạo cử nhân địa chất nắm vững kiến thức cơ bản, có năng lực nghiên cứu và giải quyết các vấn đề của địa chất ở Việt Nam theo chuyên ngành được đào tạo (địa chất, ngọc học, công nghệ địa kỹ thuật- địa môi trường), có khả năng học tập suốt đời và trách nhiệm xã hội đối với công tác nghiên cứu, chuyển giao tri thức địa chất, phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội trước những thách thức như suy thoái tài nguyên và biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể
- Năng lực chuyên môn: Đào tạo sinh viên trở thành nhà địa chất có chuyên môn nghiên cứu địa chất cơ bản và khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyên sâu được đào tạo và các ngành liên quan;
- Học tập suốt đời: Đào tạo sinh viên có khả năng và phương pháp để tiếp tục học các kiến thức mới hoặc nâng cao, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, môi trường và điều kiện làm việc thay đổi và áp dụng kiến thức và ý tưởng mới trong địa chất học và các lĩnh vực liên quan;
- Trách nhiệm xã hội: Đào tạo sinh viên trở thành nhà địa chất có thái độ, tác phong làm việc nghiêm túc, trung thực, chủ động, sáng tạo, yêu ngành nghề và sẵn sàng phục vụ đất nước, tích cực tham gia vào các tổ chức địa chất chuyên nghiệp, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp liên quan.
.
.
Thông tin tuyển sinh
- Theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và theo Đề án tuyển sinh được phê duyệt hàng năm: http://tuyensinh.hus.vnu.edu.vn/
Triển vọng nghề nghiệp
- Chuyên gia trong lĩnh vực điều tra khảo sát địa chất; tìm kiếm thăm dò và khai thác khoáng sản;
- Chuyên gia tư vấn, chuyên viên đánh giá chất lượng khoáng sản;
- Các nhà ngọc học, chuyên viên kiểm định vàng bạc đá quý;
- Chuyên viên quản lý tại các Bộ, ngành và sở liên quan đến quản lý tài nguyên khoáng sản;
- Chuyên gia đánh giá tác động môi trường, quản lý và giảm nhẹ tai biến địa chất;
- Chuyên gia trong các lĩnh vực khảo sát địa chất công trình, cải tạo đất đá và xử lý nền móng, vật liệu xây dựng;
- Chuyên gia tư vấn công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu;
- Giảng viên đại học và cao đẳng, nghiên cứu viên, chuyên viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu, bộ ban ngành.
.
.
Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực tự học cũng như tham gia các khóa học, các chương trình học nâng cao ngắn hạn, dài hạn và các chương trình đào tạo sau đại học trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức, kỹ năng trình độ, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, môi tường và điều kiện làm việc thay đổi và áp dụng kiến thức và ý tưởng mới trong địa chất học và các lĩnh vực liên quan.
Tình hình việc làm
- Khảo sát 5 năm trở lại đây cho thấy 55% sinh viên có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp; 75% sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp; 20-30 % cựu sinh viên 5 khóa gần đây đã và đang học thạc sĩ và tiến sĩ tại nước ngoài.
.
.
Nhà tuyển dụng
- Người học tốt nghiệp chương trình đào tạo Ngành Địa chất học có cơ hội việc làm rộng mở.
- Các cơ quan quản lý các cấp (bộ, sở, phòng) trong lĩnh vực địa chất, tài nguyên: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa chất, tài nguyên khoáng sản, địa kỹ thuật – địa môi trường: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn.
- Các viện nghiên cứu: Viện Địa chat, Viện Vật lý Địa cầu, Viện TN&MT biển, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, Viện Thủy lợi, Viện Vật liệu Xây dựng.
- Các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.
.
.
Học phí, học bổng và môi trường học
- Học phí theo quy định của Nhà nước, năm học 2022-2023 là 1.350.000đ/ tháng/ sinh viên (dự kiến); sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được xem xét miễn-giảm học phí; được hỗ trợ chi phí học tập; xét trợ cấp xã hội…
- Học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước xét theo kết quả học tập vào cuối mỗi học kỳ; Sinh viên có kết quả học tập tốt có thể được nhận các học bổng hỗ trợ từ các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học với mức hỗ trợ từ 5-10 triệu/năm như học bổng Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng BIDV, Đạm Phú Mỹ, Vừ A Dính, Honda, Shinnyo, POSCO, Lawrence S.Ting, Pony Chung, Yamada, Dongbu, Mitsubishi, Thakral-In Sewa, Kumho Asiana,…
- Hàng năm, Nhà trường sẽ cung cấp 08 suất học bổng như sau:
- 01 suất loại A: 12,5 triệu/kỳ;
- 02 suất loại B: 7,5 triệu/kỳ;
- 05 suất loại C: 5,0 triệu/kỳ.
Chính sách hỗ trợ sinh viên:
- Được ưu tiên phương tiện, học liệu và ký túc xá; được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ tiếng Anh; được ưu tiên cử đi trao đổi sinh viên tại Đức, Nauy, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN;
.
.
Môi trường học tập:
- Học tập trong môi trường sáng tạo, tiên phong và hội nhập quốc tế; Được học tập, khảo sát thực địa và nghiên cứu khoa học với các giảng viên trình độ cao trong và ngoài nước; Có nhiều điều kiện tích lũy kiến thức và kinh nghiệm làm việc; Được du ngoạn, thực tập thực tế nhiều vùng miền, tại các các cơ quan, doanh nghiệp ở trung ương và địa phương;
Nghiên cứu ứng dụng
Nghiên cứu tính chất và đánh giá chất lượng ngọc, đá quý, nguyên liệu khoáng phục vụ cho công nghiệp tinh chế và chế biến nâng cao chất lượng
- Cán bộ khoa Địa chất đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu các tính chất tự nhiên và xác định các chỉ tiêu kĩ thuật của nhiều loại nguyên liệu khoáng khác nhau như đá quý, sét kaolin, sét bentonit, khoáng chứa kim loại hiếm Li, cát titan,… Một vài các nghiên cứu có thể kể đến như nâng cấp chất lượng đá quý ruby-saphir vùng Lục Yên, aquamarin vùng Thanh Hóa, peridot Tây Nguyên;
- Đánh giá khả năng cô lập chất thải phóng xạ của bentonit Di Linh;
- Xác định dạng tồn tại của kim loại hiếm Li phục vụ chế biến sản quặng Li vùng Quảng Ngãi;
- Xác định các thông số kĩ thuật nhằm chế biến sâu quặng graphit vùng Lào Cai,…
- Nguyên liệu khoáng sét có thể sử dụng để sản xuất gạch nhẹ cách nhiệt.
- Một số vật liệu đá xốp đã được sản xuất thành công thành vật liệu lọc nước.
- Các khu vực có tiềm năng địa nhiệt như Quảng Bình – Quảng Trị, Điện Biên-Lai Châu, Tuyên Quang-Phú Thọ đang được triển khai đánh giá tiến tới xây dựng các nhà máy điện địa nhiệt và phục vụ phát triển dịch vụ-du lịch.
- Kết quả của các nghiên cứu này đã góp phần đóng góp và định hướng cho việc xây dựng quy trình làm giàu, tinh chế, chế biến nâng cao chất lượng, và sử dụng hiệu quả nguyên liệu khoáng của Việt Nam.
.
.
Nghiên cứu địa chất biển, địa chất dầu khí và môi trường
- Các nghiên cứu về địa chất biển tại Khoa Địa chất đã giúp đánh giá tiềm năng dầu khí, định hướng công tác tìm kiếm-thăm dò dầu khí các bồn trầm tích trên Biển Đông; khoanh vùng triển vọng khoáng sản rắn, định ra các tiền đề tìm kiếm và đánh giá sa khoáng, vật liêu xây dựng và khí hydrat (băng cháy). Nghiên cứu cũng góp phần xây dựng được cơ sở khoa học để định hướng quy hoạch lãnh thổ đới bờ theo hướng phát triển bền vững. Dưới đây là thông tin về một số đề tài nghiên cứu liên quan đã và đang triển khai tại Khoa Địa chất.
Địa chất biển và địa chất dầu khí
- Nghiên cứu tướng đá cổ địa lý trầm tích Kainozoi khu vực mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng và đánh giá triển vọng dầu khí liên quan (1999-2001). Nghiên cứu đã làm sáng tỏ môi trường tạo dầu và khả năng chứa dầu khí của đá cát kết tuổi Oligocen, Miocen, định hượng xây dựng tiền đề tìm kiếm dầu khí cho các vùng lân cận 2 khu vực mỏ nói trên.
- Nghiên cứu lịch sử địa chất vùng biển nước sâu thềm lục địa Việt Nam và triển vọng khoáng sản liên quan (KC-09-20/11-15). Nghiên cứu cơ chế kiến tạo địa động lực các bể Phú Khánh, Nam Côn Sơn, Tư Chính Vũng Mây và Trường Sa và triển vọng dầu khí liên quan (KHTN-03) (2012-2014). Các nghiên cứu này đã đánh giá được các cấu trúc địa chất có triển vọng là bẫy cấu tạo dầu khí.
- Thành lập bản đồ Địa chất Biển Đông và các vùng kế cận tỷ lệ 1/1.000.000 (2005-2007). Đề tài đã có những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn: (1) Lần đầu tiên thành lập bản đồ Địa chất Kainozoi thềm lục địa Việt Nam; (2) Phân tầng và phân vùng cấu trúc cho toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam; (3) Khoanh vùng triển vọng khoáng sản rắn và dầu khí.
- Nghiên cứu địa tầng phân tập các bể Sông Hồng, Cửu Long và Nam Côn Sơn và tiềm năng khoáng sản liên quan (KC-09-20/06-10) (2007-2010). Đề tài đã xây dựng được mô hình địa tầng phân tập trên cơ sở địa chấn địa tầng, chu kỳ trầm tích và tướng đá -cổ địa lý. Từ đó xây dựng các tiền đề đánh giá triển vọng dầu khí.
.
.
Địa chất Pliocen – Đệ tứ và môi trường
Các hướng nghiên cứu Địa chất Pliocen – Đệ tứ và môi trường đã được thực hiện từ những năm 1990 đến nay. Nhiều đề tài đã được thực hiện có tính ứng dụng cao bao gồm:
- Thành lập loạt bản đồ trầm tích tầng mặt và loạt bản đồ tướng đá-thạch động lực tỷ lệ 1/500000 vùng biển nông ven bờ (0-50m nước) từ Móng Cái đến Hà Tiên (1991- 2016). Đây là bộ bản đồ nền hết sức quan trọng phục vụ nghiên cứu địa mạo, địa chất môi trường, địa chất tai biến và tìm kiếm khoáng sản rắn ven bờ.
- Nghiên cứu thành lập Bản đồ địa chất tầng nông thềm lục địa Việt Nam và đánh giá khoáng sản liên quan tỷ lệ 1/1000000 (1995-1998). Đã xây dựng được thang địa tầng Pliocen-Đệ Tứ làm cơ sở cho các nghiên cứu về Địa chất môi trường, tiến hóa trầm tích và triển khoáng sản trong Pliocen – Đệ tứ như: sa khoáng, vật liệu xây dựng và khí hydrat (băng cháy).
Nghiên cứu cổ sinh vật học – địa tầng học và ứng dụng phục vụ phát triển du lịch
- Nghiên cứu các nhóm hóa thạch chính như san hô vách đáy, răng nón, vỏ nón, tay cuộn, cá cổ, bào tử- phấn hoa, khuê tảo diatome, góp phần phân chia địa tầng trầm tích và làm sáng tỏ cổ địa lý qua các giai đoạn lịch sử ở Việt Nam. Trên nền tảng kiến thức cổ sinh học được trang bị, có thể tham gia giải quyết nhiều vấn của thực tiễn liên quan đến di sản địa chất và phát triển du lịch. Chẳng hạn các thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, như Vịnh Hạ Long, Cao nguyên đá Đồng Văn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đều cấu tạo từ đá vôi với các hang động nổi tiếng: Phong Nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng v.v.., Các thắng cảnh này trở nên có giá trị hơn với sự có mặt nhiều điểm di sản cổ sinh – địa tầng với sự có mặt của san hô vách đáy, tay cuộn, răng nón,… đã trở thành các di sản địa chất có giá trị tiêu biểu ở Việt Nam.
.
.
Địa chất môi trường biển và phát triển bền vững
- Nghiên cứu lập bản đồ Địa chất môi trường biển và ven biển phục vụ phát triển bền vững đã được nghiên cứu tại Khoa Địa chất từ năm 1990 đến nay ở hầu hết các vùng biển Việt Nam. Các bản đồ Địa chất môi trường biển đã được thành lập ở các tỉ lệ khác nhau và bao phủ hầu hết các vùng ven biển và biển ven bờ (0-30 m nước), một số vùng biển đến độ sâu 100 m nước và các đảo xa bờ như Bạch Long Vỹ, Trường Sa. Các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các bản đồ Địa chất môi trường, Địa chất tai biến và mức độ tổn thương có ý nghĩa ứng dụng cao trong quy hoạch không gian biển phục vụ: bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế – xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng và an ninh.
.
.
Địa kỹ thuật và phát triển hạ tầng đô thị
- Địa kỹ thuật và quy hoạch đô thị: Ở quy mô đô thị: Các nhà khoa học của khoa Địa chất phối hợp với các chuyên gia quy hoạch đã thực hiện hệ thống hóa và chuẩn hóa các tài liệu Địa kỹ thuật – môi trường đô thị trung tâm Hà Nội, một số đô thị ven biển (Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An) phục vụ điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chung và điều chỉnh định hướng phát triển không gian xây dựng Thủ đô và các đô thị khác.
- Đề xuất điều chỉnh định hướng phát triển không gian xây dựng đô thị trung tâm Hà Nội: Ở quy mô các khu đô thị: Các nhà khoa học đã kiến nghị các phương hướng quy hoạch sử dụng đất hợp lý cho khu vực đới động ven sông Hồng trong phạm vi Tp. Hà Nội trên cơ sở đánh giá điều kiện địa kỹ thuật môi trường khu vực nghiên cứu; đề xuất mô hình đô thị đại học phát triển bền vững (lấy ví dụ cho đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc) và điều chỉnh các nhiệm vụ quy hoạch chung khu đô thi ĐHQGHN tại Hòa Lạc theo hướng phát triển bền vững.
- Địa kỹ thuật và phát triển không gian ngầm đô thị: Các chuyên gia của Khoa Địa chất đã nghiên cứu và đánh giá cấu trúc nền địa chất đô thị, để định hướng quy hoạch, quản lý sử dụng và khai thác không gian ngầm đô thị Hà Nội. Các kết quả đã phục vụ tốt cho sự phát triển công trình ngầm của thủ đô.
- Quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu thường trực Địa kỹ thuật – môi trường: Quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu thường trực Địa kỹ thuật – môi trường để đảm bảo cho hệ thống tương tác giữa “môi trường địa chất” với “cơ sở hạ tầng” hoạt động bền vững. Các chuyên gia của Khoa đã triển khai các đề tài xây dựng hệ thống quan trắc Địa kỹ thuật phục vụ đánh giá ổn định đê biển khu vực Hải Hậu, Nam Định; Địa kỹ thuật – môi trường đới động ven sông Hồng khu vực Hà Nội, tham gia biên soạn các hướng dẫn quan trắc Địa kỹ thuật – môi trường các khu chôn lấp chất thải sinh hoạt, các khu bơm hút nước ngầm công suất lớn.
.
.
Địa kỹ thuật và phòng chống tai biến địa chất
- Dự báo nguy cơ và rủi ro tai biến phục vụ công tác giảm thiểu: Khoa Địa chất đã thực hiện thành công các dự án và đề tài quốc tế, nhà nước và các cấp khác nhau về đánh giá và dự báo rủi ro các tai biến trượt lở, lũ quyét – lũ bùn đá tại Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Nam; dự báo nguy cơ xói lở bờ biển Hải Phòng – Nam Định, sạt lở bờ sông Hồng khu vực Hà Nội, xâm nhập mặn ven biển ven biển Bắc Bộ; lập các bản đồ đánh giá tính dễ bị tổn thương ở vùng ven biển, miền núi và đô thị. Các kết quả này là cơ sở quan trọng cho đề xuất các giải pháp giảm thiểu và quy hoạch sử dụng đất bền vững.
- Xây dựng các giải pháp công trình phòng chống tai biến: Các chuyên gia của Khoa Địa chất đã đề xuất các giải pháp công trình phòng chống tai biến trượt lở, đá đổ – đá lăn dọc Quốc lộ 6 từ Hòa Bình đi Sơn La, các giải pháp chống xói lở bờ biển, sạt lở bờ sông.
Vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và cải tạo đất đá
- Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường: Trong dự án nghiên cứu mô hình đô thi đại học phát triển bền vững, các chuyên gia của Khoa đã đề xuất một số vật liệu xây dựng tự nhiên có mặt tại địa phương, thân thiện với môi trường, phát thải cácbon thấp cho dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc như: đá ong laterit, cuội sỏi,…
- Cải tạo tính chất của đất đá, xử lý nền móng công trình: Các nghiên cứu của Khoa tập trung vào cải tạo tính chất của đất đá nứt nẻ cho ổn định các mái dốc đường giao thông, xử lý nền đất yếu cho các công trình cao tầng và công trình ngầm đô thị.
.
.
Địa môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu
- Nghiên cứu và xây dựng mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu: Mô hình đô thị ven biển Việt Nam có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đã được xây dựng góp phần phục vụ công tác quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép những nội dung của mô hình vào chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, phát triển và thiết kế đô thị ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững; làm căn cứ cho tư vấn khảo sát, thiết kế các dự án đầu tư xây dựng đô thị ven biển bền vững và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác với các tổ chức, mạng lưới trong và nước và quốc tế để nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu và thịnh vượng của đô thị.
- Quy trình công nghệ giảm thiểu và thích ứng với địa tai biến liên quan đến môi trường và phát triển năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Các nhà khoa học của Khoa Địa chất và các đối tác trong nước và Na Uy đã xây dựng được quy trình và công nghệ đánh giá tác động, mức độ tổn thương của các tai biến trượt lở, lũ lụt, xói lở bờ biển, sụt lún mặt đất và động đất ở khu vực thủy điện Cửa Đạt, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sơn La, hạ lưu thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hà Giang, thị xã Bắc Kạn, thành phố Hà Nội và đới ven biển đồng bằng sông Hồng. Các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng để đề xuất giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ địa tai biến và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực các nhà máy thủy điện, các tỉnh miền núi và khu vực đô thị Hà Nội.
- Bên cạnh các hướng nghiên cứu trên, các nhà khoa học của Khoa Địa chất còn nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ địa không gian trong đánh giá, dự báo biến động tài nguyên – môi trường và tác động của biến đổi khí hậu.
.
.
Sử dụng bền vững tài nguyên
- Lĩnh vực sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên đã được thực hiện tại Khoa Địa chất nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng từng dạng tài nguyên (đất, nước, đất ngập nước, khoáng sản, năng lượng…) và xây dựng mô hình sử dụng bền vững tài nguyên ở đới ven biển Việt Nam, khu vực miền núi phía Bắc,… Các kết quả nghiên cứu đã góp phần xây dựng các chính sách sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.
Địa sinh thái và công nghệ địa môi trường
- Địa sinh thái trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Chu trình sinh địa hóa các nguyên tố (As, Pb, Zn, Cd,…) đã được các nhà khoa học của Khoa Địa chất phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju, Hàn Quốc (GIST) nghiên cứu tại một số vùng mỏ khoáng sản lớn của Việt Nam như mỏ chì kẽm Chợ Đồn (Bắc Kạn) và mỏ W-Bi-F-Cu-Au Núi Pháo (Thái Nguyên). Các kết quả này đã xác định được mức độ tích lũy các kim loại gây độc trong môi trường, cây trồng và các vấn đề sức khỏe liên quan, làm cơ sở quan trọng để đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người dân.
- Công nghệ địa môi trường xử lý ô nhiễm: Các nhà khoa học của Khoa Địa chất đã nghiên cứu, ứng dụng các nguyên liệu khoáng tự nhiên (đá ong, bentonit, đá vôi,…), bùn thải công nghiệp, thực vật (cây Sậy, cây Dương xỉ, cây Mộc tặc trãi, cây Năng kim,…) để xử lý ô nhiễm môi trường. Kết quả nghiên cứu đã được triển khai thực tế tại khu vực chế biến khoáng sản (tỉnh Bắc Kạn). Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Khoa còn phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện Địa Khoa học và khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM), Công ty Kỹ thuật Wooyoung, Hàn Quốc nghiên cứu, và Đại học Công nghệ Sydney, Úc lắp đặt hệ thống xử lý nước ngầm bị ô nhiễm Asen tại Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) và Hoàng Tây (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Các nghiên cứu này có ý nghĩa ứng dụng cao trong xử lý ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
.
Hoạt động sinh viên
- Sinh viên luôn là mối quan tâm hàng đầu và được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển trong suốt quá trình học tập tại ĐHQGHN. Sinh viên Khoa Địa chất luôn nhận được sự tư vấn đầy đủ không chỉ liên quan đến việc học tập mà còn các vấn đề liên quan khác như tài chính, sức khỏe, đời sống tinh thần, an toàn và an ninh, nhà ở, việc làm, hoạt động thể thao, hoạt động văn hóa, hoạt động xã hội…. Sự hỗ trợ đầy đủ này được thực hiện thông qua Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, Phòng Chính trị Công tác Sinh viên, Trợ lý Công tác sinh viên, Giáo viên chủ nhiệm, tổ chức Đoàn và Hội sinh viên.
- Khoa Địa chất luôn tạo ra một môi trường thân thiện giữa thầy và trò. Hằng năm, Khoa thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến âm nhạc, thể thao, và các hoạt động văn hóa khác… Các cán bộ và sinh viên kết hợp thành các đội tham gia các hoạt động thể chất như đá bóng, ca nhạc… để phát triển thể chất và tâm lý. Các phong trào này thường được Liên Chi đoàn, Chi đoàn, Liên chi Hội sinh viên, Hội sinh viên, Công đoàn đứng ra phát động và tổ chức. Một số câu lạc bộ cũng được thành lập để sinh viên sinh hoạt ngoại khóa như Chào Tân sinh viên Hi Geology, GeoBus, GeoClub… và tổ chức các hoạt động ngoại khóa như Nhà Địa chất thông thái, Triển lãm mô hình địa chất. Các buổi sinh hoạt học thuật bằng tiếng Anh được tổ chức trong các hoạt động của GEOBUS Club, tổ chức mời trung tâm tiếng Anh REF trao đổi với sinh viên về việc học ngoại ngữ và định hướng cho sinh viên cách nâng cao năng lực ngoại ngữ. Sinh viên Khoa Địa luôn chất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đây là động lực khiến sinh viên thêm gắn bó với Khoa và học tập tốt hơn.
.
.
- Với những nỗ lực của Khoa Địa chất trong tìm kiếm các nguồn trao đổi sinh viên, trong các năm gần đây nhiều sinh viên ngành Địa chất đã tham gia “chương trình Semina Hè thường niên của trường Đại học Ibaraki, Nhật Bản”, tham gia Diễn đàn về “Biến đổi khí hậu” tại Campuchia, “Trại hè tuổi trẻ và tài nguyên nước 2018 của trường Đại học Quốc gia Cheng Kung, Đài Loan”. Ngoài ra, Khoa Địa chất đã hoàn thành việc đào tạo 01 sinh viên Myanmar tham gia học tập tại Khoa năm học 2017-2018 trong chương trình EUSHARE.
- Sinh viên Địa chất được Khoa khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học với các thầy, cô trong và ngoài Khoa. Giảng viên luôn tạo điều kiện để sinh viên được tham gia các hoạt động khoa học cũng như viết bài báo khoa học. Nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đoạt giải cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Một số sinh viên đã có công bố khoa học cùng các thầy cô từ năm thứ 3, thứ 4 khi đang làm nghiên cứu khoa học và khóa luận tốt nghiệp. Sinh viên được Đại học Quốc gia Hà Nội trực tiếp hỗ trợ khi công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
- Việc mời cựu sinh viên tham gia giảng dạy, seminar, định hướng nghề nghiệp được tiến hành định kỳ. Ngoài ra Khoa còn mời các chuyên gia, giáo sư đã về hưu nhưng vẫn tham gia hoạt động Khoa học và có đóng góp nhiều với cộng đồng về trao đổi học thuật và seminar Khoa học cho sinh viên và học viên cao học.
CỰU SINH VIÊN TIÊU BIỂU
- GS.TS.NGND. Trần Nghi, nguyên Phó Hiệu Trưởng Trường Địa học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN
- GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
- PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Địa chất Viện HLKH&CNVN
- TS. Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ
- PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học & Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội
- TS. Đàm Quang Minh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, Chủ tịch Ủy ban phổ thông Tập đoàn Equest
.
.
Đánh giá của nhà tuyển dụng
- Trong ý kiến đóng góp cho Nhà trường và Khoa Địa chất, các nhà tuyển dụng tập trung chủ yếu vào chương trình đào tạo trong đó việc tăng thêm các môn thực hành/ thực tế/ thực tập và các kỹ năng mềm. Các ý kiến đóng góp nêu đã được Khoa tiếp thu, liên tục cải tiến nội dung các học phần theo hướng tăng thêm các giờ thực hành/ thực tế/ thực tập để sinh viên Địa chất có nhiều kinh nghiệm hơn khi tìm việc làm.
- “Sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được đào tạo bài bản, kiến thức chuyên môn sâu. Sau khi ra trường đáp ứng tốt các yêu cầu công việc. Chúng tôi đã, đang và luôn sẵn sàng hợp tác cùng Khoa Địa chất trong việc đào tạo và tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường”. PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Trưởng Viện Địa chất-Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
.
.
- “Ngọc học và đá quý là một lĩnh vực đang rất phát triển. Tại Viện của chúng tôi phần lớn cán bộ đều là các sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tôi rất hài lòng vì kiến thức và cách làm việc của họ. Trong tương lai chúng tôi dự kiến sẽ tuyển thêm nhiều nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Địa chất”. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Viện Ngọc học và Trang sức DOJI.
- “Sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có nền tảng kiến thức về địa chất rộng, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, trình độ ngoại ngữ tốt, vì vậy nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu công việc, đặc biệt là các dự án liên ngành và quốc tế”. TS. Vũ Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm Địa kỹ thuật và Xử lý nền móng thuộc Công ty Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng.
- TS. Hoàng Hữu Hiệp, Phòng thăm dò và Khai thác dầu khí, Công ty Dầu khí Sông Hồng nhận định: “Chúng tôi tin tưởng và yên tâm khi giao việc cho sinh viên tốt nghiệp ngành Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên”.
.
.
………………………………………………………………………………………………..
CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC (2023)
NGÀNH: ĐỊA CHẤT HỌC
MÃ SỐ: 7440201
(Ban hành theo Quyết định số /QĐ-ĐHKHTN, ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)
Tải khung ban hành 2023 chi tiết tại đây:
Khung Địa chất Chất lượng cao: https://geology.hus.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2024/01/602.-Dia-chat-CLC-final-QD-3526.pdf
Khung Địa chất chuẩn: https://geology.hus.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2024/01/601.-Dia-chat-Chuan-final-QD-3525.pdf
………………………………………………………………………………………………..
.
.
.
.
CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chuẩn đầu ra về kiến thức
- Nhận thức đúng đắn về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam và thế giới đương đại, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;
- Áp dụng được khối kiến thức Khoa học tự nhiên trong giải quyết các vấn đề chuyên môn;
- Vận dụng được các kiến thức chuyên ngành để giải quyết được một vấn đề cụ thể trong khoa học địa chất hoặc thực tiễn của Việt Nam;
- Áp dụng kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức, giám sát và quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực địa chất.
Chuẩn đầu ra về kĩ năng
- Sử dụng thành thạo Tiếng Anh với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết: đạt chuẩn bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tin học văn phòng, các phần mềm chuyên dụng;
- Thực hiện được kỹ năng khảo sát thực địa, thu thập số liệu, phân tích thí nghiệm, xử lý số liệu trong lĩnh vực chuyên môn được đào tạo;
- Hợp tác làm việc nhóm, phát triển nhóm, lãnh đạo nhóm; đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm, từ đó hình thành khả năng dẫn dắt, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, trình bày;
- Phát hiện, giải quyết các vấn đề mới về chuyên môn; phân tích, đánh giá các kết quả đạt được; kĩ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi để giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp, kiến nghị phù hợp.
.
.
Năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Thể hiện trách nhiệm công dân và chấp hành pháp luật cao; có ý thức bảo vệ tổ quốc, đề xuất sáng kiến, giải pháp và vận động chính quyền, nhân dân tham gia bảo vệ tổ quốc;
- Thể hiện thái độ, tác phong làm việc nghiêm túc, trung thực, chủ động, sáng tạo, yêu ngành nghề và sẵn sàng phục vụ đất nước được, tích cực tham gia vào các tổ chức địa chất chuyên nghiệp, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp liên quan.
Tải khung ban hành 2023 chi tiết tại đây:
Khung Địa chất Chất lượng cao: https://geology.hus.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2024/01/602.-Dia-chat-CLC-final-QD-3526.pdf
Khung Địa chất chuẩn: https://geology.hus.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2024/01/601.-Dia-chat-Chuan-final-QD-3525.pdf
.
.
…………………………………………
Tham khảo khung cũ hơn:
Phiên bản 2019 chuẩn: https://geology.hus.vnu.edu.vn/khung-chuong-trinh-nganh-dia-chat-hoc-dao-tao-chuan-2019/
Phiên bản 2019 chất lượng cao: https://geology.hus.vnu.edu.vn/khung-chuong-trinh-nganh-dia-chat-hoc-dao-tao-chat-luong-cao-2019/
Phiên bản 2015: https://geology.hus.vnu.edu.vn/khung-chuong-trinh-nganh-dia-chat-hoc/
Phiên bản 2015 – Kỹ thuật Địa chất: https://geology.hus.vnu.edu.vn/khung-chuong-trinh-nganh-ky-thuat-dia-chat/
Phiên bản 2012: cập nhật sau
Phiên bản 2008 và trước đó: cập nhật sau
.
.
.
.