Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận điểm chuẩn tăng kỉ lục ở một số ngành “hot”, nhưng với nhiều ngành khoa học cơ bản, số lượng thí sinh đầu vào ít khiến điểm chuẩn chỉ vừa đạt ngưỡng điểm sàn xét tuyển. Thực trạng này khiến dư luận đặt câu hỏi, với điểm đầu vào thấp, liệu đầu ra có đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế nước nhà không?
Bàn về vấn đề nêu trên, PGS.TS Đinh Xuân Thành – Trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng những lo lắng của dư luận phần nào hợp lý trong bối cảnh chung, tuy nhiên ở một số ngành đào tạo cụ thể cần có một cách nhìn khách quan hơn. Trong đó, có hai nội dung cần phải quan tâm và nhìn nhận cho đúng, đó là “chuẩn đầu ra” và “chất lượng đầu vào”.
“Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các chương trình đào tạo, các trường đại học đều phải xây dựng “chuẩn đầu ra” – hay còn gọi là kết quả học tập mong đợi.
“Chuẩn đầu ra” được xem xét từ nhiều yếu tố như: Bài học kinh nghiệm của các chương trình đào tạo tương tự trên thế giới, nhu cầu nhân lực của Việt Nam, mong muốn của nhà tuyển dụng, của người học và sự phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực của các trường.
“Để có được “chuẩn đầu ra” như mong muốn thì chất lượng cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, người dạy và người học phải đáp ứng được yêu cầu theo quy định về giáo dục đại học của Bộ GDĐT. Trong đó, chất lượng người học là một yếu tố đáng bàn.
Bất cứ một trường đại học, một chương trình đào tạo nào cũng mong muốn có nguồn sinh viên đầu vào có chất lượng cao, đáp ứng “chuẩn đầu ra” quy định cho cấp bậc phổ thông. Tuy nhiên, điểm chuẩn đầu vào chỉ phản ánh một phần “chất lượng đầu vào”” – Trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên nói.
PGS Thành cho rằng, đối với khoa học cơ bản, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để tiến xa được, người học phải có tình yêu, sự đam mê với ngành học, những điều này sẽ được vun đắp trong quá trình học tập, nghiên cứu.
“Người học đã đạt chuẩn đầu ra của bậc giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GDĐT, có niềm đam mê với lĩnh vực dự định học chính là nguồn đầu vào chất lượng tuyệt vời của chúng tôi.
Ở bậc đào tạo đại học, các thầy cô sẽ cùng với sinh viên nỗ lực để thu được những kiến thức tốt. Chất lượng của giảng viên, sự tâm huyết, lòng yêu nghề của người dạy chính là chìa khóa để đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước dù điểm khởi đầu có vẻ “không cao”” – ông Thành khẳng định.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, TS Lê Thị Thanh Mai – Trưởng Ban Công tác Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM – nhận định, các ngành đào tạo cơ bản rất khó thu hút sinh viên bởi đặc thù, tính chất công việc sau khi ra trường vất vả, cơ cực hơn so với những ngành khác.
Bà Mai cho rằng, những em ứng tuyển vào ngành phải thực sự yêu thích, hiểu rõ ngành nghề cũng như cơ hội việc làm ngay từ bậc phổ thông. Số thí sinh ứng tuyển không nhiều nên mới có tình trạng điểm chuẩn đầu vào các ngành khoa học cơ bản luôn thuộc nhóm thấp điểm nhất trong vài năm trở lại đây.
“Chất lượng đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, cố gắng của cả thầy và trò trong quá trình học tập. Có những em sinh viên đầu vào điểm chỉ ở mức sàn nhưng qua quá trình nỗ lực rèn luyện, vẫn có thể đạt thủ khoa đầu ra của trường đó. Trừ trường hợp sinh viên khi đã trúng tuyển vào đại học chủ quan, không chịu nỗ lực phấn đấu thì chuẩn đầu ra sẽ không đạt chất lượng.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay rất khốc liệt. Phía nhà trường, giảng viên luôn tìm cách đổi mới giảng dạy, đào tạo để sinh viên ra trường có công ăn việc làm, ngang bằng với các nhóm ngành khác” – bà Mai bày tỏ quan điểm.
Source: https://laodong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-nganh-khoa-hoc-co-ban-dau-vao-thap-dau-ra-co-dam-bao-960154.ldo