Ngày 18/8, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học” và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics” (UPM), đồng thời công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 28 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo
Theo kết quả từ UPM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) thuộc cơ sở giáo dục định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, còn có 3 trường đại học nữa cũng thuộc cơ sở giáo dục định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn 5 sao là: ĐH Công nghệ (ĐHQGHN), ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kasetsar (Thái Lan).
Hệ thống UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0 như Đổi mới sáng tạo, Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Công nghệ thông tin và tài nguyên số.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Cụ thể, UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm. 8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%), CNTT và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%).
Lần lượt chỉ số thực tế của từng tiêu chí, từng lĩnh vực đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, do vậy, UPM vừa giúp nhận diện tổng thể vừa có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, từng lĩnh vực của cơ sở giáo dục đại học. Từ đây, hệ thống có thể cung cấp cho các trường đại học một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng.
Đến nay, UPM đã hỗ trợ, tư vấn cho các trường đại học Việt Nam và khu vực ASEAN tự nguyện tham gia, thu thập và thẩm định cơ sở dữ liệu từ nhiều nguồn, trong đó có cả dữ liệu kiểm định chất lượng.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc xây dựng và vận hành hệ thống như bộ chỉ số University Performance Metrics (UPM) có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, là một trung tâm dữ liệu và phân tích, UPM có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống giáo dục đại học quốc gia, cũng như các cơ sở giáo dục đại học trong nước và trong khu vực. Các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác. Người học có được những thông tin chính xác về các trường ĐH để có thể lựa chọn trường, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức.
Theo đánh giá từ UPM, một số lĩnh vực của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được xếp 5 sao, gồm: quy mô và chất lượng giảng viên, danh tiếng của các khoa, quy mô đào tạo nghiên cứu sinh, chất lượng nghiên cứu, nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ, công bố quốc tế, nghiên cứu và các dự án khởi nghiệp của sinh viên,…
Ngoài ra, các yếu tố: sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo, khả năng được tuyển dụng của sinh viên sau khi tốt nghiệp, sự hài lòng của nhà tuyển dụng,… cũng được đánh giá cao và được xếp 5 sao. |
Nguồn: http://hus.vnu.edu.vn