Nước biển được khai thác ở độ sâu 450m tính từ mặt biển, nơi tia nắng mặt trời không chiếu xuống được. Quy trình xử lý khoa học và hiện đại giúp bảo toàn gần như toàn bộ các nguyên tố vi lượng, giúp nước biển sâu có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, săn se niêm mạc, phục hồi niêm mạc suy yếu, nhờ đó có thể ngăn ngừa sổ mũi, ngạt mũi và viêm xoang và các bệnh lây lan qua đường hô hấp khác. Nhóm các nhà khoa học của Khoa Địa chất – Trường ĐHKHTN do TS. Nguyễn Đình Nguyên chủ nhiệm đề tài đã đánh giá thành công nguồn tài nguyên nước biển tại vùng biển Quảng Bình sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh mắt, xoang, miệng.
Giá trị của nước biển sâu
Nước biển sâu từ lâu đã được biết đến là một nguồn nước tốt và chất lượng có thể cung cấp nhiều khoáng chất cần thiết cho sức khỏe của con người và sinh vật. Khai thác nước biển sâu hiện nay là một ngành công nghiệp mới hiện đang phát triển ở một số nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… phục vụ cho nhu cầu y tế: chữa bệnh, dược phẩm, đồ uống cao cấp, sản xuất muối tinh khiết, nước chưng cất để ướp giữ thực phẩm,…
Hiện nay, các nghiên cứu mới của các nước trên thế giới đều sử dụng nước biển sâu làm thuốc cho các trường hợp tai, mắt, mũi, họng bị nghẹt do tăng tiết dịch nhờn, nước biển sâu có thể làm loãng và đào thải dịch tiết ra ngoài. Nước biển sâu có tác dụng tốt khi thời tiết khô hanh hoặc thường xuyên phải làm việc trong môi trường phòng máy lạnh khiến vùng niêm mạc mũi bị khô rát, khó chịu – lúc này nước biển sâu sẽ có tác dụng giúp cho mũi phục hồi lại độ ẩm. Nước biển sâu là dung dịch vệ sinh mũi rất giàu khoáng chất và trên 60 nguyên tố vi lượng, thay đổi theo độ sâu và độ xa. Nước biển sâu chứa nguyên tố đồng và kẽm, có tác dụng làm săn se niêm mạc, phục hồi niêm mạc suy yếu, sát khuẩn và kháng viêm tốt. Nước biển sâu từ lâu được các nhà chuyên môn tin dùng như một giải pháp hỗ trợ điều trị hậu phẫu và các bệnh về đường hô hấp dựa vào tính chất sát khuẩn, kháng viêm của hơn 60 nguyên tố vi lượng trong thành phần nước biển.
Theo N. Ehler Charles, 2012, nguồn nước biển sâu làm nguyên liệu bào chế thuốc giúp phòng ngừa và làm giảm mức độ trầm trọng các biến chứng của viêm mũi là viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, hen phế quản… Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vệ sinh mũi, mắt miệng là biện pháp phối hợp tốt với các loại thuốc khác trong điều trị viêm mũi cấp, viêm mũi dị ứng. Có thể thấy thuốc xịt mũi, xoang miệng, tai, xử lý vết thương được điều chế từ nguồn nước biển sâu là một liệu pháp đơn giản, rẻ tiền làm giảm các triệu chứng khác nhau trên mũi và xoang, giảm sử dụng thuốc và có thể giúp hạn chế tối đa sự đề kháng của kháng sinh.
Tại Việt Nam với tiềm năng của một quốc gia có trên 3.261 km bờ biển và với vùng có thềm lục địa với độ sâu dưới 200m chiếm phần lớn diện tích vùng biển nhưng giá trị sử dụng của tầng nước biển sâu vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một quốc gia khai thác nước biển sâu trong chiến lược phát triển kinh tế biển của mình. Hầu hết các công trình nghiên cứu về biển chủ yếu liên quan đến các vấn đề bề mặt của biển, quy hoạch không gian biển, trong khi cả kho báu dưới biển sâu ít được đề cập. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay cho thấy nguồn nước biển sâu giàu nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm… có thể để loại bỏ bụi bẩn, gỉ mũi giúp làm giảm số lần và giảm độ nặng của viêm mũi ở cả người lớn và trẻ em. Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện những sản phẩm dược phẩm có thành phần từ nước biển sâu, mà tiêu biểu là các sản phẩm nước biển sâu sinh lý xịt mũi có nguồn gốc nhập khẩu. Theo TS. Nguyễn Nguyên: “Loại nước biển vệ sinh mũi tốt nhất là loại được khai thác từ nước biển sâu ở dạng không pha loãng (100% nước biển). Loại này có hàm lượng khoáng chất và vi lượng như đồng, manganum, magnesium, lưu huỳnh, selen… nhiều hơn nước biển pha loãng vì vậy các tác dụng làm sạch, sát khuẩn, chống dị ứng, kháng viêm, làm ẩm niêm mạc mũi tốt hơn”. Việc nghiên cứu đánh giá về tài nguyên biển hiện nay ở nước ta đã được triển khai, tuy nhiên phần lớn các nghiên cứu này chưa đề cập nguồn nước biển sâu như một tài nguyên cho phát triển các loại nguyên liệu chữa trị bệnh, trong khi nhu cầu ở Việt Nam vô cùng lớn.
Trên cơ sở nghiên cứu giá trị của nước biển sâu đối với sức khỏe con người, mà Việt Nam là đất nước vốn có bờ biển dài, có thể sử dụng nước biển để sản xuất thuốc, nhóm các nhà khoa học Trường ĐHKHTN đã nghiên cứu đánh giá nguồn tài nguyên nước biển sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh mắt, xoang, miệng. Đề tài thành công giúp chúng ta sẽ không phải nhập khẩu, giảm giá thành sản xuất, mang lại lợi ích cho người dân Việt.
Thành công với hai giải pháp hữu ích
Nhóm khoa học Trường ĐHKHTN cho rằng, nước biển sâu dùng trong y tế thường được biểu hiện bởi các đặc điểm đặc trưng: nhiệt độ thấp, độ tinh khiết cao và giàu chất dinh dưỡng bởi việc chứa các nguyên tố có lợi. Do nằm ở độ sâu ít nhận bức xạ mặt trời nên hầu như nước biển sâu không có hoạt động vi khuẩn, ít có sự quang hợp của sinh vật phù du thực vật, tiêu thụ chất dinh dưỡng và nhiều phân hủy hữu cơ hoàn toàn từ nước ngầm và các ion khoáng từ đá và chứa các khoáng chất thấp. Tuy nhiên trên thực tế thì hàm lượng khoáng chất trong nước có thể thay đổi theo vị trí địa lý và nguồn cấp. Với mục tiêu khai thác nguồn nước biển sâu để phục vụ cho ngành Y dược thì nguồn cấp trước hết phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định, trong đó cần phải là nước thuộc khối biển có tốc độ dòng chảy chậm, dưới 0,5 cm/s nhằm đảm bảo độ ổn định, không bị pha lẫn các tạp chất đến từ nơi khác do quá trình hải lưu luân chuyển, vận chuyển đến bởi trên thực tế nước biển không đứng yên tại chỗ mà luôn dịch chuyển theo các dòng hải lưu. Nếu khối biển có tốc độ dòng lớn, nước biển sâu tại đó sẽ chịu sự tác động của dòng chảy mà có chứa các tạp chất đến từ nhiều nơi mà dòng chảy đi qua. Ngược lại nếu nước thuộc khối biển có tốc độ dòng chảy thấp (cụ thể với yêu cầu của dưới 0,5cm/s) thì nước biển sẽ có tính ổn định cao hơn về thành phần các nguyên tố vi lượng có ích đồng thời ít chứa các tạp chất khác.
Khảo sát thực địa cùng đoàn nghiên cứu của TS. Nguyễn Đình Nguyên – Khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN
Xác định vùng nguồn nguyên liệu nước biển sâu phục vụ khai thác, chế biến các chế phẩm phục vụ điều trị các bệnh mắt, xoang, miệng; thực chất là xác định được các vùng mỏ nước biển sâu có thành phần hóa – lý – sinh đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, y tế phù hợp cho các mục đích trên. Với mục đích lựa chọn khu vực ít chịu ảnh hưởng của dòng chảy từ lục địa đưa vật liệu trầm tích từ đất liền ra biển để tránh bị ô nhiễm, vùng nước lặng ít có sự xáo động với tốc độ dòng chảy thấp hơn 0,5cm/s; cần tiến hành đo tốc độ dòng chảy trên toàn khu vực, đo và xác định theo các tầng độ sâu từ mặt xuống đáy tại vùng biển Quảng Bình theo các phương pháp thủy văn khác nhau. Thông qua quá trình triển khai đo dòng chảy và hiệu chỉnh số liệu ngoài thực địa, các kết quả đo tốc độ dòng chảy của nước biển sâu thuộc khu vực vùng biển Quảng Bình định hướng khu vực được biểu hiện biên độ dao động của dòng chảy hải lưu, tương ứng với tầng nước khác nhau đảm bảo nhất. TS. Nguyễn Đình Nguyên cho biết: “Dựa theo các kết quả này có thể lựa chọn, khoanh vùng khu vực nơi có biên độ dao động của dòng chảy đảm bảo là thấp nhất trong khu vực. Trên cơ sở đó, việc áp dụng các hệ phương pháp phân tích hóa học trong nghiên cứu môi trường nước biển, các hệ phương pháp thử nghiệm vi sinh… có thể đánh giá, lựa chọn khu vực – tầng nước đảm bảo theo các yêu cầu nêu trên phục vụ khai thác, sản xuất nước biển sâu cho các mục đích hỗ trợ, điều trị các bệnh về mắt, xoang, miệng”.
Từ những vấn đề đặt ra, nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công, định vị vùng nước biển sâu (bề mặt, diện tích) đạt tiêu chuẩn mỏ khoáng nước biển sâu phục vụ khai thác, sử dụng hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về xoang, miệng trong khu vực biển Quảng Bình với các yếu tố: Xác định được vùng ít bị tác động của dòng chảy ven bờ (tránh ô nhiễm từ dòng chảy ven bờ mang tới); Xác định được vùng biển có biên độ dao động dòng hải lưu là nhỏ nhất trong khu vực biển Quảng Bình; Xác định tầng nước biển (tại vùng không bị ảnh hưởng từ dòng chảy ven bờ, có biên độ dao động dòng hải lưu nhỏ nhất), không có tác động của ánh sáng, các bề mặt đáy biển, đảm báo có chứa hàm lượng thành phần đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế phục vụ khai thác. Bên cạnh đó nhóm đã thành lập được giải pháp điều chế và tích hợp hương liệu thiên nhiên vào nước biển sâu tạo nước muối sinh lý. thiên nhiên sử dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh xoang, miệng và đưa ra các giải pháp bao gồm: quy trình điều chế nước muối sinh lý. 0,9% NaCl từ nước biển sâu khai thác tại vùng mỏ thuộc khu vực biển tỉnh Quảng Bình; quy trình tích hợp tinh dầu Quế (giàu hợp chất Cinnamaldehyde) vào dung dịch nước biển sâu làm tăng khả năng kháng khuẩn và tạo mùi thơm đối với người sử dụng sản phẩm nước muối sinh lý. thiên nhiên từ nước biển sâu (sau khi đã điều chế với nồng độ NaCl là 0,9 %) sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh xoang và miệng.
Đề tài nghiên cứu thành công và đăng kí sở hữu trí tuệ với hai giải pháp hữu ích đã được đồng ý. Giải pháp hữu ích đề xuất sản phẩm dung dịch nước muối sinh lý có tích hợp tinh dầu quế (giàu hợp chất Cinnamaldehyde). Và giải pháp hữu ích đề xuất quy trình công nghệ định vị nguồn nước biển sâu vùng biển Quảng Bình và quy trình khai thác nước biển sâu để sản xuất các sản phẩm dùng trong phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh về xoang, miệng.
Theo VNU Media