Hội thảo “Biến động đới bờ biển và dòng chảy các sông qua nhiều thế kỷ tác động đến di sản văn hoá Phật giáo vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng” đánh dấu lần đầu tiên hợp tác giữa các nhà Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên để nghiên cứu di sản văn hóa Phật giáo.
Hội thảo diễn ra tại Hội trường Lê Văn Thiêm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Phật giáo, Hội Trầm tích Việt Nam và Khoa Địa chất – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp tổ chức.
Hội thảo đã thu hút được hơn 200 đại biểu đến từ nhiều đơn vị như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Kiến trúc, Liên đoàn Địa chất khoáng sản biển, Viện Địa chất, Học viện Thuỷ Lợi, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Khảo cổ học,…
Toàn cảnh Hội thảo
Trên phương diện văn hóa, tôn giáo, Phật giáo đã thấm vào nền văn minh Việt Nam từ khi du nhập đến nay, lan tỏa khắp từ làng quê đến đô thị, từ vùng ven biển đến vùng núi cao trên lãnh thổ Việt Nam. Đạo lý của Phật giáo Việt Nam ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ và trở thành những giá trị tinh thần vô giá cho người Việt. Có thể nói, cung cấp cơ sở khoa học xác thực để làm sáng rõ hơn những giá trị lịch sử – văn hóa của Phật giáo tại Việt Nam qua hàng nghìn năm, cũng như bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo có ý nghĩa rất to lớn đối với đời sống hiện đại ngày nay và hậu thế.
Do đó, ra mắt giới nghiên cứu và công chúng tại Hội thảo lần này là những nghiên cứu liên ngành về biến động đới bờ biển và dòng chảy các sông trong lịch sử có ảnh hưởng như thế nào đến các di sản văn hóa phật giáo, bước đầu bổ trợ, giúp ích cho việc xác định vị trí – niên đại các di tích lịch sử – di sản văn hoá Phật giáo trên cơ sở khoa học địa chất – địa mạo.
Nhà nghiên cứu di sản Phật giáo Lê Doãn Thăng phát biểu khai mạc Hội thảo
Qua nhiều năm nghiên cứu, điền dã hơn 80 ngôi chùa, sưu tầm tư liệu, nhà nghiên cứu di sản Phật giáo Lê Doãn Thăng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Phật giáo phát tâm tổ chức, tài trợ Hội thảo và nhận được sự ủng hộ quý báu của các nhà khoa học. Tại Hội thảo, ông đã trình bày báo cáo về Tác động của các yếu tố tự nhiên đến di sản văn hóa Phật giáo từ thế kỷ thứ 10 đến nay.
GS.TS. Trần Nghi – Chủ tịch Hội Trầm tích Việt Nam, chia sẻ về Lịch sử biến động bờ biển và lòng sông khu vực hạ lưu châu thổ sông Hồng trong Holocen
NCS. Trần Ngọc Diễn trình bày báo cáo Tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám, xác định các đường bờ cổ trong giai đoạn Holocen giữa – muộn và tìm hiểu sự biến động của đới bờ biển cổ qua nhiều thế kỷ tác động đến di sản văn hóa Phật giáo vùng Tây Nam đồng bằng sông Hồng
Sự kiện cũng thu hút hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trầm tích, địa chất, địa mạo, thuỷ văn,…; các chuyên gia lịch sử, viễn thám,… nghiên cứu sự thay đổi dịch chuyển các ngôi chùa cổ dưới tác động của yếu tố tự nhiên.
Bài trình bày của TS. Nguyễn Văn Hướng, đại diện nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Địa chất – Trường ĐHKHTN đã trình bày Một số phương pháp địa chất ứng dụng trong nghiên cứu biến động bờ biển và dòng chảy sông trong Holocen
PGS.TS. Vũ Văn Phái – Khoa Địa lý, Trường ĐHKHTN trình bày Tiến trình phát triển địa hình đới bờ biển rìa châu thổ sông Hồng trong thời kỳ gần đây
Hòa thượng, TS. Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao những nghiên cứu chuyên sâu, có ý nghĩa thiết thực được trình bày tại Hội thảo. Hòa thượng, TS. Thích Quảng Tùng cho rằng cần có những quan tâm đúng mức để giữ di sản văn hóa Phật giáo và giữ gìn bờ biển.
Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thán những gắn kết, tâm huyết của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực để có những câu trả lời chính xác cho lịch sử di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam
Các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực trao đổi, chia sẻ thông tin tại Hội thảo:
GS. Ngô Đăng Lợi
GS. Lê Mạnh Cát bày tỏ mong muốn Khoa Địa chất của Trường ĐHKHTN tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực cho vấn đề này
GS.Viện sĩ Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng công trình nghiên cứu rất có giá trị và đánh giá cao các đơn vị tham gia nghiên cứu, tổ chức Hội thảo
TS. Vũ Thế Khanh – Giám đốc Liên hiệp Khoa học UIA cho rằng Hội thảo rất thú vị, ý nghĩa, thu hút đông đảo nhà khoa học, công chúng quan tâm và mở ra nhiều diễn đàn, chuyên đề đào sâu hướng đi này
Các nhà khoa học tham dự Hội thảo tích cực trao đổi thông tin
Ban tổ chức cùng khách mời, đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm:
Nguồn: http://www.hus.vnu.edu.vn/