Khao khát lớn nhất trong tôi là được đi học

“Nếu chưa một lần bị tước đoạt quyền được đi học thì bạn sẽ không thể hiểu, được đi học là một điều vô cùng quý giá. Lên 9 tuổi tôi buộc phải lựa chọn rời bỏ ghế nhà trường để đi làm kiếm tiền nuôi hai em ăn học…
~~~~~~~~~~~

Vậy là hơn 1500 tân sinh viên K63 đã nhập học, dù là đam mê với ngành học hay vô tình bị dòng đời đưa đẩy ‘‘trôi dạt’’ vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì các em cũng hãy tự hào vì chặng đường mà các em vừa đi qua, có thể nó không hoàn hảo như các em mong muốn nhưng hãy tin vào con đường phía trước mà các em đã chọn để đi. Chỉ cần có ước mơ, có khát vọng, chắc chắn chúng ta sẽ vươn xa.

Hòa chung không khí chào đón các em tân sinh viên K63, tôi cảm thấy lòng mình cũng rạo rực: ‘‘Vậy là mình đã hết năm nhất rồi cơ đấy?’’.

Nhớ lại thời gian này của năm ngoái, tôi một mình ra Hà Nội mang theo ước mơ và khát khao cháy bỏng được đi học.

Tôi thích đi học. Cho đến bây giờ, khao khát lớn nhất trong tôi là được đi học. Có thể các bạn sẽ nghĩ tôi kì lạ, người ta đi học là vì để thực hiện ước mơ còn tôi khao khát cháy bỏng được đi học.

Nếu chưa một lần bị tước đoạt quyền được đi học thì bạn sẽ không thể hiểu, được đi học là một điều vô cùng quý giá. Lên 9 tuổi tôi buộc phải lựa chọn rời bỏ ghế nhà trường để đi làm kiếm tiền nuôi hai em ăn học. Tôi không biết hồi ấy tôi có hiểu được rằng được đi học là điều hạnh phúc hay không? Nhưng tôi hiểu rằng tôi vừa bị số phận lấy đi cái quyền được đến trường. Tôi đã trốn sau cánh cửa và khóc rất lâu. Nhưng vì thương mẹ và em nên tôi phải chấp nhận. Khoảng thời gian sau đó tôi xa nhà, bắt đầu một cuộc sống không có vòng tay mẹ. Tôi không nhớ là mình đã khóc bao nhiêu lần, tôi chỉ nhớ là sau mỗi lần như thế tôi lại khát khao được đi học lại. Mỗi khi thấy bạn bè đồng trang lứa cắp sách đến trường, ánh mắt tôi lại sáng lên một niềm tin mãnh liệt. Mỗi lần mẹ đến thăm, là mỗi lần tôi ôm con heo nhựa thủ thỉ: “Mẹ ơi, bao giờ con tiết kiệm đủ tiền mẹ cho con về đi học mẹ nhé?”.

Mười ba tuổi, tôi học lớp 5…

Tôi hạnh phúc và sung sướng như thể mình được sinh ra lần thứ 2.

Tôi không sợ bị bạn bè chê cười, tôi chỉ sợ mình không được đi học.

Mười tám tuổi, tôi học lớp 10…

Nỗi sợ ấy lại đến khi một lần nữa tôi biết mình phải tiếp tục lựa chọn. Gia đình tôi gặp khó khăn và việc tôi được đi học tiếp là điều phải cân nhắc. Không phải mẹ không đủ khả năng lo cho tôi, mà vì sau tôi còn 2 em đi học, tôi lại càng không muốn mình là gánh nặng đè lên đôi vai đã chai sần của mẹ.

Tôi lại càng sợ giấc mơ được đi học đã trở thành hiện thực chưa trọn vẹn lại bị dập tắt. Và rồi tôi quyết định tự kiếm tiền đi học tiếp. Sau khi học hết lớp 10, tôi cố gắng đi làm 3 tháng hè, số tiền đó đủ để tôi học cả năm 11, và hè lớp 11 tôi lại đi làm cho năm lớp 12, tôi cũng quyết định không học lớp chuyên để đỡ tiền học phí, chủ yếu là tôi tự học ở nhà.

Cuối năm lớp 12, thêm 1 lần nữa tôi rơi vào chọn lựa, học Đại học hoặc không…

Mọi người bảo rằng, học Đại học không phải là chuyện đơn giản, một đứa con gái tỉnh lẻ đặt chân lên một thành phố lớn, tài chính không có, người thân lại càng không, liệu rằng tôi có thể đi hết được những năm tháng trên giảng đường đại học.

“Cô biết em có nghị lực, em có ước mơ, cô tin rằng một đứa con gái cần cù như em sẽ có cách để thực hiện mơ ước của bản thân, nhưng em ơi, cô sợ, cô thật sự rất sợ, trái tim nhỏ bé của em không đủ sức để chống chọi với những sóng gió mà em không thể lường trước, cô rất sợ khó khăn về tài chính khiến giấc mơ của em vụt tắt.”… Tôi đã khóc rất nhiều khi cô giáo chủ nhiệm nói với tôi những điều đó.

Tôi không muốn dừng lại, giấc mơ vào Đại học tôi luôn ấp ủ không thể vì thế mà dập tắt. Tôi thà chết chứ nhất định không nghỉ học.

Và rồi tôi quyết tâm thi Đại học.

Cái ngày cầm giấy báo trúng tuyển, tay tôi run run, mắt tôi ướt nhòe, tự nhủ lòng phải thật cố gắng.

Hai mươi mốt tuổi, tôi vào Đại học…

Ngày rời quê ra Hà Nội nhập học, chỉ có cô giáo và đứa bạn tiễn tôi.

Một mình ra Hà Nội, một mình lần đầu tiên đến một thành phố lớn, một mình, tôi mang theo ước mơ và khát vọng cùng niềm tin mãnh liệt. Thế là tôi bắt đầu cuộc sống tự lập về mọi thứ, kể cả sự sống chết của bản thân. Thứ duy nhất thôi thúc tôi bấy giờ là khát khao thực hiện ước mơ và thứ duy nhất tôi bấu víu vào là niềm tin vào bản thân mình.

4h sáng, Hà Nội đón tôi bằng một cơn mưa nặng hạt. Tôi thu người vào mái hiên của một cửa tiệm chưa mở cửa chờ trời sáng. Thế mà mưa vẫn không ngừng rơi, mưa xối xả như ông trời đang trút nỗi giận của mình xuống trần gian hay cơn mưa ấy báo hiệu rằng chặng đường tôi sắp đi sẽ muôn vàn sóng gió.

Thế là tôi đã trở thành cô sinh viên năm nhất của một trường Đại học danh tiếng, tôi tự hào nhìn dòng chữ Trường Đại học Khoa học Tự hhiên “kiêu hãnh” trên cổng trường rồi mỉm cười.

Là dòng đời “đưa đẩy” hay cái duyên tiền định đưa tôi vào HUS…

Dù là gì đi chăng nữa, HUS sẽ là nơi giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ trở thành một nhà Quản Lý Tài Nguyên Và Môi Trường.

Thực ra,đây không phải là ngành học mà tôi theo đuổi trong những tháng năm còn là học sinh.Tôi học khối C và mong muốn mình trở thành một nữ Công an nhân dân để mang lại bình yên cho người dân. Thế nhưng, cuối năm lớp 12, quê tôi xảy ra sự cố môi trường Biển do Công ty Formosa (Vũng Áng) đặt trên chính quê hương tôi gây ra. Sự cố ấy làm ô nhiễm nặng nề vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Người dân quê tôi sống chủ yếu bằng nghề làm muối và đi biển đánh cá, trớ trêu thay nước Biển bị ô nhiễm, mọi hoạt động sản xuất không thể diễn ra. Trường học đóng cửa vì cha mẹ không có tiền cho con đi học, cha mẹ đành xa con cái đi làm thuê xa xứ, rồi các cuộc biểu tình chẳng biết có mang lại một môi trường sạch hay không hay chỉ khiến người dân đổ máu và mất đoàn kết, mất niềm tin vào những người quản lý môi trường.

Lớn lên với Biển, tôi yêu Biển để rồi vui buồn tôi đều thả vào Biển.Thời gian Biển ô nhiễm, tôi quặn lòng trước Biển, nhìn cá chết trôi dạt vào bờ tôi lặng người rơi nước mắt. Tôi giận những người thiếu trách nhiệm đã mang đến đau thương cho Biển, cho người dân quê tôi.

Khoảnh khắc đó nhen nhóm trong tôi mong muốn trở thành một người bảo vệ môi trường.

Và rồi, 1 tháng cuối cùng của năm lớp 12, tôi quyết định thi Đại học khối D với quyết tâm trở thành người Quản Lý Tài Nguyên Và Môi Trường trước sự ngỡ ngàng của thầy cô và bạn bè.

Có thể mọi người cho rằng tôi là một người không kiên định với dự định của bản thân đã đặt ra lúc đầu. Nhưng không, người ta vẫn thường hay nói “30 chưa phải là Tết”, có thể hôm nay bạn dự định cho mình phải thế này thế kia nhưng vào giây phút cuối cùng, số phận lại rẽ lối dẫn ta sang một con đường mới, chỉ cần con đường đó là đúng đắn, là con đường mà bạn vui vẻ bước đi với tất cả khát khao và hi vọng thì việc chúng ta lựa chọn thay đổi vào phút cuối không có gì là ngu ngốc.

Là Công an nhân dân cũng được là Quản Lý Tài Nguyên Và Môi Trường cũng được, miễn sao là nghề bạn theo đuổi, miễn sao là nghề có ích, miễn sao là nghề sau này kiếm ra tiền. Chẳng phải chúng ta học là để có ngành nghề, sau này ra trường có việc làm, ta sống để làm việc và công việc nuôi ta sống hay sao.

Có không ít bạn sinh viên K63 hay thậm chí là các bạn, các anh chị sinh viên năm 2,3,4 đều học không đúng ngành nghề mình yêu thích. Có bạn vì bố mẹ, có bạn vì anh chị, có bạn vì “dòng đời đưa đẩy” và thậm chí có cả những bạn học “đại” cho có “học” mà thôi. Thật tiếc và thật buồn nếu các bạn không thử một lần có khát vọng. Đừng sợ mình không học được vì học không đúng chuyên ngành, đừng lo học ra không xin được việc. Đồng ý là không thích, không đam mê sẽ không thể học tốt nhưng hãy thử “mở lòng” thích đi, biết đâu càng học ta lại càng “yêu” nó từ bao giờ mà không biết. Chỉ cần có niềm tin, chỉ cần cố gắng, mọi thứ chắc chắn sẽ được đề đáp xứng đáng.

Tôi cũng thế…

Động lực giúp tôi vượt qua tất cả là khao khát được đến trường để thực hiện ước mơ. Khoảng thời gian đầu ra Hà Nội,mọi thứ với tôi đều mới nhưng không lạ, đều trôi chảy nhưng không ít khó khăn. Số tiền đi làm kiếm được sau kì thi Đại học đủ để tôi nhập học và đóng tiền vào kí túc xá. Sau đó, tôi hoàn toàn tay trắng. Nhập học xong, các bạn về nhà đợi ngày ra đi học thì tôi ở lại tìm việc và đi làm. Tôi xin làm cho một quán ăn với mức lương 10 nghìn 1 giờ, thời gian đó tôi chỉ biết ăn mì gói qua ngày, có những ngày tôi không ăn gì cứ thế làm cả ngày. Tối về, một mình trong kí túc xá, lạ phòng, lạ giường, mệt mỏi, cô đơn, … và cả đói … Nước mắt cứ thế lăn dài trên má. Rồi vào học, tôi vừa đi học vừa đi làm. Tôi lao đầu vào kiếm tiền, hành trình một ngày chỉ có từ trường về chỗ làm, từ chỗ làm đến trường, từ chỗ làm về kí túc khi trời đã khuya. Tôi như một con lật đật trong suốt học kỳ 1. Có những lúc, tôi mệt mỏi gục đầu òa khóc, có những lúc khó khăn tôi hỏi lòng có nên dừng lại. Nhưng không, khao khát đến trường, khao khát chạm tay vào tương lai tươi sáng không cho phép tôi gục ngã, không cho phép tôi từ bỏ, nếu dừng lại thì mọi cố gắng từ trước đến giờ đều là vô nghĩa, nếu dừng lại tôi sẽ phụ lòng tin của những người yêu mến và kì vọng ở tôi. Gạt nước mắt, tôi tiếp tục cố gắng.

Thế mà cũng một năm học trôi đi rồi, kết quả học tập khá ổn, không nợ môn, 2.8 cho học kì I và 3.19 cho học kì II. Kết quả học kì I giúp tôi nhận ra một điều rằng mình phải biết cân bằng giữa công việc và học tập, mình kiếm tiền là để đi học, nhưng nếu vì kiếm tiền mà để việc học trượt dốc thì cũng bằng không. Đi làm thêm là tốt. Vừa kiếm tiền vừa có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong cuộc sống nhưng vẫn phải học tốt. Chỉ cần bạn biết cân bằng thì không có gì phải lo lắng cả. Ngoài thời gian đi làm thêm và đi học, tôi còn tham gia Câu lạc bộ và các hoạt động ở trường. Điều đó giúp tôi năng động hơn, tự tin hơn, giảm căng thẳng do công việc và học tập, và quan trọng là giúp tôi đoàn kết hơn với các bạn, các anh chị, học hỏi được nhiều điều từ họ. Một đứa học khối C chọn thi Đại học khối D và vào học trường toàn môn khối Tự nhiên như tôi lúc đầu cảm thấy chênh vênh lắm, có lúc nghe giảng hoàn toàn không hiểu gì. Nhưng không gì là không thể, chỉ cần chúng ta chăm chỉ một chút, cố gắng nhiều hơn một chút thì không có gì là khó cả, không có gì là không làm được.

Tôi vẫn sẽ tiếp tục chặng đường còn lại của mình dù biết sẽ còn nhiều khó khăn. Năm II rồi cơ đấy, tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn. Tôi vẫn phải tiếp tục làm thêm để kiếm tiền đi học nhưng sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc học để đạt được kết quả tốt hơn, đạt được mục tiêu mà tôi đã đặt ra. Tôi cũng sẽ dành thời gian để nghiên cứu chuyên ngành của mình. Tôi không biết phía trước con đường tôi đi còn những khó khăn gì nhưng nhất định tôi sẽ luôn cố gắng hết mình, luôn tin vào bản thân. Tin rằng mọi cố gắng ắt sẽ có thành quả.

Nhiều người cho rằng thành công là sự hoàn thiện liên tục những mục tiêu có ý nghĩa và giá trị. Và để thành công, sinh viên nên có mục tiêu, khát vọng của riêng mình và quan trọng nhất là hiểu rõ con đường mà mình đang đi, vạch đúng đích chúng ta đang hướng tới. Chỉ cần trên con đường đó, chúng ta không ngừng nỗ lực phấn đấu, không ngừng cố gắng, luôn tin tưởng vào bản thân mình và đặc biệt là phải có niềm tin vào con đường phía trước thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Mong rằng những chia sẻ của bản thân tôi sẽ là động lực để tôi bước tiếp và hi vọng truyền thêm lửa cho khát vọng của các bạn.

Chúc các em sinh viên K63 bước vào năm học mới với khí thế quyết tâm nhất.

Chúc các bạn K62 cùng khóa và các anh/chị khóa trên học tập tốt.

Chúng ta sẽ cùng vươn xa.

—Tháng 8/2018 – Phạm Thị Ngọc, K62 Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa Địa chất—

Tin Liên Quan