Nếu ai nói khoa học và đặc biệt khoa học tự nhiên là những điều khô khan thì chắc chắn bạn sẽ cần suy nghĩ lại về nhận định đó khi tới với buổi bài giảng đại chúng tháng 12 vừa diễn ra tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN vào chiều ngày 23/12/2020 với chủ đề: “Di sản thiên nhiên từ góc nhìn địa chất – Các di sản thiên nhiên thế giới và công viên địa chất toàn cầu UNESCO của Việt Nam”.
Nằm trong chuỗi chương trình bài giảng nhằm phổ biến các kiến thức đại chúng, giúp các bạn học sinh, sinh viên, học viên cao học, cán bộ trẻ có cơ hội tiếp cận những công nghệ mới, những hướng nghiên cứu mới cũng như có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với các diễn giả là các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tiếp nối thành công của các chương trình bài giảng đại chúng trước đó, trường ĐHKHTN phối hợp với Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup tổ chức buổi bài giảng đại chúng tháng 12 với sự tham gia của diễn giả là GS.TS. Tạ Hòa Phương – chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực địa chất học. Bài giảng của Giáo sư mang tới cho người nghe góc nhìn thú vị về những di sản thiên nhiên thế giới qua lăng kính của những nhà địa chất.
Tham dự bài giảng đại chúng tháng 12 có sự hiện diện của PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN; PGS.TS. Ngạc An Bang – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng toàn thể các quý vị đại biểu đến từ các trường đại học, học viện, học viên nghiên cứu của các cơ quan, đại diện các thầy cô giáo và các bạn học viên sau đại học, sinh viên, học sinh của Nhà trường.
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh phát biểu tại buổi bài giảng đại chúng
Trước khi bước vào nội dung chính của bài giảng đại chúng, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh đã có đôi lời chia sẻ về những mong muốn của ban tổ chức khi xây dựng nên chương trình. Với hình thức tổ chức các bài giảng mang tính đại chúng, một hình thức phổ biến kiến thức khoa học được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng cũng như từng được Trường ĐHKHTN tổ chức nhiều lần trước đây tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những sự kiện hay đối tượng đặc biệt. Với sự hỗ trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, chuỗi bài giảng đại chúng lần này được Trường ĐHKHTN tổ chức hướng tới đông đảo người nghe ở mọi tầng lớp và lĩnh vực.
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh cũng khẳng định, chủ đề của bài giảng đại chúng lần này cũng chính là một trong những hướng nghiên cứu rất mạnh của khoa Địa chất, trường ĐHKHTN. Nếu như bài giảng đầu tiên của GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ về nghiên cứu khoa học, bài giảng của GS.TS.BS. Nguyễn Thanh Liêm về Tế bào gốc và ứng dụng là những chủ đề rất hấp dẫn của khoa học thì lần này, tới với bài giảng của GS.TS. Tạ Hòa Phương, người nghe sẽ được tiếp cận vấn đề từ góc độ khoa học nhưng cũng đồng thời là cơ hội để mỗi người chúng ta thêm đắm say và chiêm ngưỡng những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời của đất nước Việt Nam mến yêu.
Kết thúc phần chia sẻ của mình, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh mong muốn, sau bài giảng hôm nay, các bạn sinh viên đang theo học lĩnh vực tài nguyên môi trường sẽ có thêm những đam mê đối với nghề nghiệp mình đang theo đuổi, các bạn sinh viên đang theo học các lĩnh vực khác sẽ có thêm những sự quan tâm, tò mò về thiên nhiên của Việt Nam.
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh cùng PGS.TS. Ngạc An Bang thay mặt ban tổ chức gửi tặng GS.TS. Tạ Hòa Phương diễn giả của chương trình bó hoa tươi thắm và món quà kỉ niệm đầy ý nghĩa
GS.TS. Tạ Hòa Phương bắt đầu bài giảng đại chúng với những chia sẻ vô cùng thú vị xoay quanh món quà đặc biệt vừa được nhận từ ban tổ chức chương trình. Giáo sư chia sẻ, tỉ lệ vàng không chỉ có ý nghĩa trong toán học mà còn xuất hiện trong thiên nhiên, đặc biệt là trong lĩnh vực cổ sinh. Trong cổ sinh vật học có một con vật rất nổi tiếng đó là ốc anh vũ, một loài vật có hình xoắn theo đúng tỉ lệ vàng mà các họa sĩ, các nhà khoa học đã công nhận tỉ lệ đó. Rõ ràng trong cuộc sống của chúng ta, khoa học không hề khô khan mà muôn hình vạn trạng và vô cùng thú vị khi xuất hiện ở mọi khía cạnh của cuộc sống.
GS.TS. Tạ Hòa Phương say sưa chia sẻ những điều thú vị về các di sản thiên nhiên từ góc nhìn địa chất
Xuyên suốt bài giảng của mình, GS.TS. Tạ Hòa Phương đã đưa mọi người đi hết từ thú vị này tới ngạc nhiên khác thông qua những hình thái sinh động và hấp dẫn của thiên nhiên địa chất tại Việt Nam. Khắp mọi miền của Tổ quốc, đâu đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy những di tích của lịch sử phát triển của thiên nhiên.
Thông qua bài giảng lần này, GS.TS. Tạ Hòa Phương muốn gửi tới chúng ta thông điệp rằng:
– Khoa học về di sản mang tính liên ngành cao vì liên quan đến cả tự nhiên và xã hội. Ngay trong phần tự nhiên cũng liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: địa chất – địa mạo, thủy văn, sinh học, khí tượng…
– Từ góc độ các khoa học về Trái đất, di sản gắn liền với các cảnh quan thiên nhiên, mang vẻ đẹp và ý nghĩa khoa học, giáo dục, tạo nền tảng cho các di sản thiên nhiên thế giới, các công viên địa chất và ác hình loại di sản khác.
– Từ góc độ địa chất học, nghiên cứu di sản góp phần khắc họa những vẻ đẹp của cảnh quan liên quan đến điều kiện hình thành di sản, đến thành phần vật chất, ý nghĩa khoa học và giáo dục. Từ đó, có thể đánh giá định lượng giá trị di sản, xây dựng hồ sơ di sản… phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Với nhiều thông tin thú vị và cách truyền tải hấp dẫn, bài giảng của GS.TS. Tạ Hòa Phương thu hút được rất nhiều quan tâm từ các bạn sinh viên ngành địa chất nói riêng và các ngành về khoa học trái đất nói chung.
Các bạn sinh viên hăng hái đặt câu hỏi tới diễn giả
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Ngạc An Bang – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và PGS.TS. Đinh Xuân Thành chụp ảnh cùng diễn giả – GS.TS. Tạ Hòa Phương
Rất đông các bạn sinh viên hào hứng tới tham dự bài giảng của GS.TS. Tạ Hòa Phương
Chương trình thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả khác nhau
GS.TS. Tạ Hòa Phương, bút danh Tạ Phương, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1949 tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, quê quán xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông là Giáo sư Tiến sĩ Địa chất học; nhà thơ – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất Lịch sử, trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Hiện nay ông là Viện trưởng viện Nghiên cứu Cổ sinh (INPA); Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam; Ủy viên thông tấn Phân ban Địa tầng Devon Quốc tế; Cộng tác viên Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, CH Pháp. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được cử sang Liên Xô du học. Năm 1972, với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, ông đã về nước, được phân công về giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN). Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1988 tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Novosibirsk. Hướng nghiên cứu của ông là về Cổ địa sinh – Địa tầng, tuy nhiên ông cũng là người đam mê nhiếp ảnh và hội họa, do đó ông có nhiều thuận lợi khi chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu mới là Địa di sản. Nhiều điểm di sản địa sinh cổ tầng do Giáo sư và đồng nghiệp phát hiện đã thu hút các nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu như: ranh giới Devon-Carbon trên đảo Cát Bà, ranh giới Frasni-Famen trên cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang. Giáo sư cũng là người nghiên cứu và đặt tên cho một số di sản địa chất tiêu biểu trên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn như hẻm vực Tu Sản bên đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc và điểm danh thắng Thạch Sơn Thần trên cao nguyên Làng Đán huyện Quảng Bạ. Những điểm di sản kể trên đã góp phần làm tăng giá trị của các di sản thiên nhiên Việt Nam, phục vụ phát triển du lịch bền vững. Năm 2003, ông đảm nhận viết phần địa chất trong hồ sơ Di sản Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Năm 2013, ông được mời tham gia cuộc thám hiểm động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới cùng đoàn làm phim của Kong Kong TV. Năm 2018, trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu “Đánh giá các giá trị nổi bật, ngoại hạng của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”, GS.TS. Tạ Hòa Phương lại lẫn nữa đi vào động karst huyền thoại này. Mỗi chuyến đi là một dịp khám phá, phát hiện thêm những điều mới mẻ. GS. Tạ Hòa Phương ngoài hoạt động khoa học còn có một tâm hồn nghệ sĩ. Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, có trên 20 đầu sách văn học với tư cách là tác giả, dịch giả hoặc đồng tác giả, đồng dịch giả của những tập thơ, tập thơ dịch, tiểu thuyết dịch. Nói về chất lượng các bản dịch văn học của ông, PGS.TS. Phạm Gia Lân, một chuyên gia về văn học Nga, từng nhận xét: “Mọi người biết đến GS. Tạ Hòa Phương là một nhà khoa học có những khám phá, đóng góp giá trị trong lĩnh vực Địa chất. Nhưng nhiều người còn biết đến anh với bút danh Tạ Phương như một nhà thơ, đồng thời là một dịch giả thơ Nga có uy tín, góp phần vào sự phát triển quan hệ văn hóa giữa hai nươc Việt – Nga”. Trong quá trình hoạt động khoa học cũng như hoạt động nghệ thuật, GS.TS. Tạ Hòa Phương đã có trên 110 công trình khoa học được in ấn dưới dạng bài báo và chuyên khảo khoa học bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga; có 04 tập thơ đã xuất bản; có 07 đầu sách văn học dịch. |
Source: hus.vnu.edu.vn