HANG HỒ ĐỘNG TIÊN VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN DI SẢN HANG ĐỘNG VỊNH HẠ LONG

         Chúng tôi đến thăm hang Hồ Động Tiên trên vịnh Hạ Long cùng đoàn thám hiểm của tàu sinh thái (Ecoboat), trong dự án của tổ chức Bảo vệ động thực vật hoang dã (FFI).

         Đến hang Hồ Động Tiên, chúng tôi tranh thủ đo vẽ sơ đồ hang phục vụ nhiệm vụ giảng dạy của FFI. Điều làm chúng tôi thích thú là hang này không quá hoành tráng, có lẽ vì thế mà nó đã tránh được “bị khai thác triệt để” như các hang Sửng Sốt, hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung v.v.. Nó có vẻ đẹp vừa tầm, và đặc biệt muốn đi thăm hết hang phải 2 lần chui qua những cửa tò vò, có chỗ hẹp chỉ 1 người chui lọt.

         Đây là một hang thuộc kiểu hang nền điển hình, với đáy hang nằm cao hơn mặt biển không nhiều, thậm chí lối vào ở cửa hang còn bị ngập nước, phải tôn cao đường để tiện cho du khách vào thăm (H1).

        Khác với tất cả các hang động khác trong khu vực vịnh Hạ Long,  trong hang Hồ Động Tiên còn di tích của nhiều nền hang treo bên vách, có dạng những “gác xép” kéo dài. Đó là những phần mặt nền hang được cố kết tương đối chắc chắn bằng chất CaCO3 mà phần dưới nền đã bị xói mòn do dòng chảy ngầm xuất hiện trong hang qua hàng ngàn năm. Nếu nghiên cứu chi tiết các mảng sót của nền hang đó có thể tìm hiểu được chi tiết tiến trình dâng, hạ của mực nước biển Hạ Long trong kỷ Đệ Tứ. Điều đó có ý nghĩa lớn đối với việc khôi phục lịch sử địa chất của khu vực. Trong hang hiện có nhiều nhũ đá dạng cột rủ xuống chấm nền hiện tại, là cơ sở để đoán định rằng, phía dưới nền hiện tại còn có một nền hang cổ, và còn có nhiều măng đá mọc lên để đỡ những cột nhũ kể trên. Có điều, phân nửa hang phía dưới hiện vẫn bị trầm tích lấp đầy, chôn vùi toàn bộ những măng đá ấy. Đó cũng là một điều điều bí ẩn cần được khám phá.

         Từ ngăn thứ hai của hang Hồ Động Tiên có hai cửa thông ra một  hồ nước, xung quang có núi đá vôi bao bọc. Người dân Hạ Long gọi những hồ nước kiểu này là áng. Do vậy áng này được gọi là Áng Tiên (H4). Thực chất đây là một phễu karst có phần đáy bị ngập nước. Đó là một loại môi trường sinh thái đặc biệt, vừa biệt lập vừa thông thương với biển thông qua hệ thống hang ngầm và khe nứt trong đá vôi. Vì thế, trong các áng thường có hệ sinh vật độc đáo, có thể gồm nhiều loài đặc hữu.

Cửa vào hang Hồ Động Tiên

Khối nhũ đá và chén ngọc
“Chén Ngọc” trong hang Hồ Động Tiên

Áng Tiên, nhìn từ ngăn 2 hồ Động Tiên

         Đi qua suốt 3 ngăn của hang, điều để lại ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi là tính nguyên khôi của thạch nhũ. Được biết trước đây hang Hồ Động Tiên từng được khai khác cho du lịch một thời gian ngắn. Sau đó Ban quản lý Vịnh không cho du khách vào hang này nữa với mục đích bảo vệ, chỉ những đoàn nghiên cứu mới được phép vào hang. Điều đó đã giúp cho hang đá, nhất là các thành tạo nhũ trong hang, giữ được trang thái tự nhiên, không bị xâm hại bởi dòng người tham quan và những phương tiện kỹ thuật kèm theo. Các khối thạch nhũ ở đây phô diễn hết vẻ long lanh huyền bí của mình (H2). Hàng triệu tinh thể canxit ánh lên kỳ diệu khi có ánh sáng nhẹ dọi vào. Điều đó ở những hang động đã khai thác không bao giờ còn nữa, tất cả đã trở thành mờ đục, nhiều khối nhũ đã bị bàn tay con người làm cho nhẵn thín, đen bóng.

          Sự long lanh kỳ diệu của thạch nhũ dồn về góc phía trong của ngăn thứ 3, nơi có một chùm nhũ lớn rủ xuống bên một thành tạo mà thiết nghĩ không có tên gọi nào hợp hơn là Chén Ngọc (H3). Nó thể hiện như một miệng núi lửa nhỏ xinh, bên trong lấp ló 1 viên ngọc. Viên ngọc được ngâm trong thứ “nước Thánh” tinh khiết. Mầu nâu hồng của khối nhũ được kết bằng hàng triệu tinh thể canxit phản chiếu ánh sáng long lanh, huyền ảo. Nếu nhìn từ một góc độ nào đó, có thể cảm nhận đó chính là bầu nhũ hoa hoàn mỹ của một nàng tiên. Kiệt tác của thiên nhiên này đúng là cần phải được bảo vệ để mọi người có dịp chiêm ngưỡng…

          Nhưng chiêm ngưỡng hang Hồ Động Tiên, chiêm ngưỡng Chén Ngọc bằng cách nào khi hang hiện thời bị ngừng khai thác cho du lịch? Đây là một bài toán khó. Nếu khai thác cho du lịch, có nghĩa là phải đưa ánh sáng điện vào hang, đồng nghĩa với việc lòng hang tối đen không còn môi trường tự nhiên nữa. Ánh sáng của những ngọn đèn đủ sức làm cho rêu, nấm mọc lên. Hơi thở chứa CO2 và thân nhiệt của du khách đủ sức làm biến đổi vi khí hậu trong hang, làm mờ bề mặt tinh thể canxit, tước mất vẻ đẹp tinh khôi của chúng. Những động vật sống trong bóng tối vĩnh hằng trong hang như cua, nhện, bọ cạp v.v.. sẽ có nguy cơ bị tuyệt diệt.

         Thiết nghĩ đã đến lúc cần có một Dự án khoa học nghiêm túc hầu đánh giá, so sánh và tìm giải pháp để tránh tác động xấu của con người (du khách) đối với các công trình hang động nói chung, mà đối chứng chính là hang Hồ Động Tiên quý giá này. Nghiên cứu hang Hồ Động Tiên cũng sẽ giúp hé mở nhiều bí ẩn về điều kiện tự nhiên của vịnh Hạ Long trong quá khứ, về những gì còn tiềm tàng bí ẩn phía dưới nền hang.

Tác giả: GS. Tạ Hòa Phương; Đào Huy Giáp  và Hoàng Thị Ngọc Hà

Tin Liên Quan