HÀNH TRÌNH VƯƠN TỚI DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI CỦA PHONG NHA – KẺ BÀNG

Nhân sự kiện Kỷ niệm 20 năm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, xin điểm lại một số dấu mốc đáng nhớ trong hành trình vươn tới Di sản thiên nhiên thế giới của Phong Nha  – Kẻ Bàng. Đặc biệt có những đóng góp quan trọng của các thầy nguyên là giảng viên Khoa Địa chất trong việc xây dựng hồ sơ di sản để được UNESCO công nhận chính thức lần đầu tiên năm 2003.

—–

Những năm 1998 và 2000, sau hai đợt đánh giá của UNESCO mà hồ sơ đề nghị công nhận Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới không được thông qua do “chưa đủ bằng chứng thuyết phục” (1). Sau đó, tỉnh Quảng Bình đã gửi công văn cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đề nghị giúp nghiên cứu bổ sung hồ sơ di sản. GS. Nguyễn Văn Mậu, Hiệu trưởng khi đó đã giao GS. Trần Nghi, Chủ nhiệm Khoa Địa chất chủ trì nghiên cứu và xây dựng lại nội dung thuyết minh, với mục tiêu tập trung làm nổi bật các tiêu chí địa chất – địa mạo.

Sau khi được giao nhiệm vụ, một nhóm nghiên cứu được thiết lập gồm các thầy Trần Nghi, Nguyễn Quang Mỹ, Đặng Văn Bào, Vũ Văn Phái, Phan Duy Ngà, Lê Huy Cường, Tạ Hòa Phương và các nhà lâm nghiệp thuộc Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp Viện điều tra quy hoạch rừng. Để hoàn chỉnh hồ sơ gửi UNESCO nhóm nghiên cứu đã kế thừa các kết quả khảo sát nhiều năm về địa chất địa mạo do Cục Địa chất Việt Nam thực hiện vừa triển khai bổ sung những nghiên cứu mới bám sát theo yêu cầu và tiêu chí đặt ra của UNESCO.

Hồ sơ di sản tái đệ trình UNESCO năm 2002, được thông qua ngày 5/7/2003, theo đó công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng theo tiêu chí (XII) Minh chứng lịch sử tiến hóa Trái đất, với ý nghĩa quan trọng về Địa chất, địa mạo và địa niên đại của khu vực (2). Mãi đến năm 2015, với sự giúp sức của các nhà sinh thái học, Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận thêm hai tiêu chí về (IX) Hệ sinh thái và (X) Đa dạng sinh học (3).

Lễ Kỷ niệm dịp 20 năm diễn ra ngày 30/6/2023 tại Quảng Bình có sự tham gia của những con người lịch sử GS. Trần Nghi, GS. Tạ Hòa Phương, Khoa Địa chất – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với những đóng góp quan trọng cho phát triển của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Trần Nghi
Trần Nghi (Chủ biên), Đặng Văn Bào, Tạ Hòa Phương et al., 2003. Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình, Việt Nam. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Giáo sư Trần Nghi chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ giảng viên Khoa nhân dịp kỷ niệm 55 năm Khoa Địa chất (10/2021)

 

MỘT SỐ DẤU MỐC – TIME LINES (3)

1986: Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha (diện tích 500 ha).

1991: Mở rộng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha (diện tích ~40.000 ha).

1998: Nộp hồ sơ lần 1 xét Di sản thiên nhiên thế giới Unesco – Không thành công.

2000: Nộp hồ sơ lần 2 xét Di sản thiên nhiên thế giới Unesco Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng (diện tích mở rộng sang vùng Kẻ Bàng, tổng ~150.000 ha) – Không thành công; UNESCO cũng quan ngại về xây dựng đường giao thông trong khu bảo tồn.

2001: Chính phủ đổi tên Khu bản tồn Phong Nha thành Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

2002: Nộp hồ sơ lần 3 xét Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (diện tích thu hẹp còn 85.000 ha).

2003: Chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí (XII): Minh chứng lịch sử tiến hóa Trái đất, với ý nghĩa quan trọng về Địa chất, địa mạo và địa niên đại của khu vực.

2010: Nộp hồ sơ lần 4 đề nghị xét công nhận thêm tiêu chí (X) đa dạng sinh học – Không thành công.

2014: Nộp hồ sơ lần 5.

2015: UNESCO công nhận thêm hai tiêu chí về (IX) Hệ sinh thái, và (X) Đa dạng sinh học (3).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) “No real evidence was presented to support; simple description of the area provided in the nomination document is an over-simplification” – IUCN evaluation file 1999: https://whc.unesco.org/document/154676

(2) Nomination file 2003: https://whc.unesco.org/uploads/nominations/951rev.pdf

(3) Decision 2015: https://whc.unesco.org/en/decisions/6356

 

KHOA ĐỊA CHẤT

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngành đào tạo: Địa chất học, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Công nghệ Quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường

Website: https://geology.hus.vnu.edu.vn/

Tin Liên Quan