GIÁO SƯ TRẦN NGHI: TỪ CẬU HỌC TRÒ NGHÈO TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC UYÊN BÁC

Sinh ra từ vùng quê nghèo – làng Minh Lệ (nay thuộc xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), nhờ tố chất thông minh và lòng hiếu học, cậu học trò làng Trần Nghi đã trở thành Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Trần Nghi. Ông là một tấm gương sáng về vượt khó thành tài.

Giáo sư Trần Nghi: Từ cậu học trò nghèo trở thành nhà khoa học uyên bác - Ảnh 1.

Nắm chắc bài ngay trên lớp

Trần Nghi xuất thân trong một gia đình hiếu học, có ông nội là tú tài chữ nho, làm Lý trưởng làng Minh Lệ, bố là một vị quan cửu phẩm trong triều đình Huế.

Những năm cải cách ruộng đất, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Ở vùng quê nghèo, tuổi thơ của Trần Nghi là những ngày thiếu đói, bữa ăn khoai sắn nhiều hơn cơm.

Thuở học phổ thông ở quê, hằng ngày, cứ sau mỗi buổi học là ông lại đi làm cho hợp tác xã để có công điểm cho gia đình. Trong 3 năm học cấp 2 vì xã chưa có trường nên ông phải đi bộ chân đất theo con đường sắt lát đá lên học cấp 2 xã Quảng Sơn, cách nhà 4 cây số.

Nhà neo người, mẹ ốm nặng, chị cả đi lấy chồng 2 anh trai đi bộ đội, nên tuy mới 12 tuổi nhưng ông đã là một lao động chính trong gia đình, phải làm tất cả mọi công việc để giúp đỡ cha mẹ. Như vào rừng lấy củi về chợ bán kiếm tiềm, chèo đò ngang, cày bừa, cấy giắm và gặt hái mỗi năm 2 vụ.

Ông nổi tiếng là con ngoan trò giỏi. Do hàng ngày phải đi học buổi sáng nên ông không đi làm cùng hợp tác xã được. Nhà ông phải nhận khoán ruộng, buổi chiều về ông làm một mình để lấy công điểm giúp gia đình.

Nhờ Trời phú cho có một trí nhớ siêu phàm nên ông thường thuộc bài ngay trên lớp; buổi tối ông chỉ cần xem lại một lần là đã nắm vững kiến thức. Ông học giỏi cả các môn tự nhiên và xã hội. Cả 4 năm học cấp 1 và 3 năm học cấp 2 ông đều đạt học sinh giỏi của trường.

Những năm học cấp 3 (Trung học phổ thông ngày nay) của ông là thời gian Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta, trong đó tỉnh Quảng Bình bị máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt.

Ông phải học trong những lớp học dã chiến (nửa chìm nửa nổi) để tránh thương vong khi có máy bay oanh tạc, buổi tối học bài dưới hầm bằng đèn dầu và phải lấy chăn che cửa hầm không cho ánh sáng lọt ra ngoài. Hoàn cảnh học tập vất vả và nguy hiểm như vậy nhưng năm lớp 8 và lớp 9 ông đều đạt học sinh giỏi.

Đặc biệt, năm học lớp 10, ông được nhà trường chọn vào cả ban chuyên toán và ban chuyên văn. Vào đợt thi học sinh giỏi cấp tỉnh, do lịch thi văn và thi toán trùng nhau số thành viên thi văn lại ít hơn nên nhà trường chỉ định ông thi môn văn. Kết quả ông đã đạt giải Nhất môn văn tỉnh Quảng Bình và tiếp tục được chọn thi học sinh giỏi văn Miền Bắc. Ấn tượng nhất đối với ông là cuối năm học lớp 10, ông được tặng thưởng danh hiệu phần thưởng Bác Hồ, phần thưởng cao quý nhất giành cho học sinh cuối cấp đạt 100% điểm 5 cả 10 môn học.

Bí quyết học giỏi toàn diện của ông là chịu khó, say mê học tập, thuộc bài ngay trên lớp học. Ông không có thái độ học lệch mà nắm chắc kiến thức của tất cả các môn học. Đồng thời mỗi một môn học ông đều tìm ra một phương pháp tư duy phù hợp với tính đặc thù của môn học đó.

Giáo sư Trần Nghi: Từ cậu học trò nghèo trở thành nhà khoa học uyên bác - Ảnh 2.

Giáo sư Trần Nghi: Từ cậu học trò nghèo trở thành nhà khoa học uyên bác - Ảnh 3.

Nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực địa chất

Sau khi hoãn học khoa vật lý Trường Đại học Bắc Đại (Trung Quốc), ông được phân vào học Khoa Địa Lý-Địa Chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1966 – 1970. Tốt nghiệp vào loại ưu ông được Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển, nhà địa chất đầu tiên và thầy địa chất đầu tiên của Việt Nam, giữ lại làm cán bộ giảng dạy cùng nhóm chuyên môn với Thầy. Con đường khoa học rộng mở với ông từ đó.

Vào năm 1977, ông được cử dự khóa thi nghiên cứu sinh đi làm luận án tiến sĩ nước ngoài và ông đã đỗ thủ khoa về lĩnh vực Khoa học Trái Đất.

Ông xúc động kể lại, năm đó dự thi cả nước là 1.500 người cho tất cả các lĩnh vực khoa học, nhưng chỉ đỗ có 200 người, trong đó có ông. Đề tài nghiên cứu sinh của ông là địa chất dầu khí nên ông được phân công sang nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Bucaret, Rumani và ông đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ năm 1982.

Năm 1996, ông được phong hàm Giáo sư, trở thành một trong ba Giáo sư trẻ nhất của ngành Khoa học Trái đất ở Việt Nam. Năm 2008, ông được Nhà nước phong Nhà giáo Nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của một thầy giáo bậc đại học ở Việt Nam.

Nói về hoạt động khoa học của mình, Giáo sư Trần Nghi vui mừng chia sẻ, ông là người đầu tiên cùng các cộng sự thành lập ra “Bản đồ địa chất Biển Đông và các vùng kế cận tỷ lệ 1/1.000.000” cùng “Bản đồ địa chất Pliocen – Đệ Tứ vùng biển Việt Nam và kế cận tỷ lệ 1/1000000” theo một nguyên tắc thành lập và hệ thống chú giải riêng đổi mới và sáng tạo (trước đó chưa ai vẽ).

Ông là người chủ biên và 2 nhà khoa học khác cộng sự là Phó giáo sư Tạ Hoà Phương phụ trách nghiên cứu địa tầng; Phó giáo sư Đặng Văn Bào nghiên cứu về địa mạo, đã tập trung nghiên cứu xây dựng “hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng Quảng Bình Việt Nam” từ 1999-2001. Đến tháng 7 năm 2003 UNESCO họp hội đồng bỏ phiếu và Hồ sơ do ông chủ trì đã được công nhận.

Điểm nhấn của hồ sơ là bài toán xác định được tuổi của các thế hệ hang động Phong Nha -Kẻ Bàng. Ông là người đầu tiên xác định được tuổi cổ nhất của hang động Phong Nha – Kẻ Bàng là 32 triệu năm, đồng thời xác định được 8 thế hệ tuổi trẻ dần từ 5 triệu năm đến nay của hang động khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng và lân cận.

“Để được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì chúng tôi đã phải nghiên cứu và chứng minh được 5 nội dung quan trọng, gồm: (1) Tính toàn cầu của khu vực hang động Phong Nha-Kẻ Bàng; (2) Tính đa dạng địa chất, địa mạo và lịch sử phát triển lâu dài của vỏ Trái Đất khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng và toàn tỉnh Quảng Bình; (3) Xác định tuổi của toàn bộ của hệ thống hang động, trong đó phải chứng minh được hang động Pha Nha-Kẻ Bàng có tuổi cổ; (4) Phong cảnh đẹp và tính độc đáo của hệ thống hang động” – Giáo sư Trần Nghi cho hay.

Điều đặc biệt của ông là làm khoa học gắn với kiêm nhiệm công tác quản lý từ chủ nhiệm bộ môn, phó chủ nhiệm khoa, chủ tịch công đoàn, bí thư chi bộ, chủ nhiệm khoa cho đến phó hiệu trưởng nhà trường. Cùng trong khoảng thời gian đó, ông đã viết và xuất bản 23 đầu sách khoa học, trong đó 8 đầu sách là giáo trình ở bậc đại học và sau đại học và 15 đầu sách chuyên khảo.

Khi đánh giá về cuốn sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” của Giáo sư Trần Nghi, Phó giáo sư Nguyễn Địch Dỹ – nguyên Chủ tịch Hội Đệ Tứ – Địa mạo Việt Nam đã viết: “Cuốn sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” của Giáo sư Trần Nghi đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu chọn lọc của tác giả hơn 40 năm trở lại đây.

Những kết quả này được tích hợp thành những nguyên lý, công thức lý thuyết và các hệ số trầm tích định lượng góp phần hoàn thiện và khắc phục những tồn tại trong nghiên cứu trầm tích luận của thế giới.

Các hệ số đó đã và đang được các nhà nghiên cứu, học viên cao học và nghiên cứu sinh sử dụng một cách có hiệu quả trong lĩnh vực trầm tích dầu khí và trầm tích Đệ Tứ ở Việt Nam”.

Giáo sư Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ Địa chất cũng nhận xét về Giáo sư Trần Nghi rằng: “Thầy là một nhà khoa học đầu ngành của địa chất, lỗi lạc và uyên bác”.

Giáo sư Trần Nghi đã có 160 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế và trong nước; Chủ nhiệm, chủ biên 5 đề tài khoa học cấp Nhà nước, tham gia thực hiện 10 đề tài cấp Nhà nước khác. Ông cũng thực hiện 3 dự án cấp Nhà nước, Chủ nhiệm 3 đề tài khoa học cấp Bộ; Chủ nhiệm Chương trình Biển KC-09/11-15 do Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm.

Trong công tác đào tạo, Giáo sư Trần Nghi đã hướng dẫn bảo vệ luận văn thạc sĩ cho 40 học viên cao học, hướng dẫn và bảo vệ thành công 35 luận án tiến sĩ và hiện đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ.

Ở Việt Nam, Giáo sư Trần Nghi được xem là nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực địa chất và khoa học trái đất.

Giáo sư Tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân Trần Nghi – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Tổng hội Địa chất Việt Nam; Chủ tịch Hội Trầm tích Việt Nam; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Tin Liên Quan