Chương trình Tây Bắc: Nhiều đề tài triển khai tại Lào Cai có tác động tốt đến hoạch định chính chính sách của tỉnh

Ngày 27/3/2019, tại UBND tỉnh Lào Cai, đoàn công tác của ĐHQGHN do GS.TS Mai Trọng Nhuận – Phó Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc), Chủ nhiệm đề tài mã số KHCN-TB.27X/13-18 dẫn đầu, đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về việc đánh giá hiệu quả của các đề tài thuộc chương trình Tây Bắc đang triển khai tại địa phương.

Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Thị Hồng Loan cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và một số địa phương có các đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc đang triển khai.

Buổi làm việc là một trong những hoạt động khoa học chính thức của đề tài mã số KHCN-TB.27X/13-18 “Luận cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2019 – 2025” do GS.TS Mai Trọng Nhuận chủ trì.

Mục tiêu của đề tài này nhằm đánh giá được kết quả, hiệu quả và đóng góp của các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc đã triển khai giai đoạn 2013-2018; đánh giá tác động, sự phối hợp và liên kết giữa Chương trình Tây Bắc với các Chương trình Khoa học và công nghệ, Chương trình mục tiêu khác của nhà nước cùng đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc nhằm xác định rõ vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển vùng Tây Bắc; Đánh giá và lựa chọn được một số kết quả, sản phẩm của Chương trình Tây Bắc để kiến nghị, đề xuất chuyển giao cho các đơn vị sử dụng hoặc kết nối cung – cầu; Đề xuất luận cứ khoa học, thực tiễn, định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2019-2025.

Trong khuôn khổ của buổi làm việc, GS.TS Mai Trọng Nhuận đã trình bày một số kết quả cùa Chương trình Tây Bắc giai đoạn 2013 – 2018 và 10 đề tài, dự án có nội dung triển khai tại Lào Cai.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của đội ngũ cán bộ khoa học thuộc Chương trình Tây Bắc khi triển khai các đề tài tại địa phương. Ông cho rằng, một số nhiệm vụ triển khai và bàn giao ứng dụng trên địa bàn tỉnh đã cung cấp luận cứ khoa học, phục vụ hoạch định chính sách, ứng dụng để phát triển sản xuất, quản lí xã hội phù hợp với điều kiện tình hình thực tế địa phương, khai thác được các tiềm năng lợi thế của địa phương như phát triển sản xuất dược liệu, chế biến sản phẩm có giá trị cao và giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn trong sản xuất và đời sống (khắc phục thiếu nước cho vùng cao, nâng cao hiệu quả của đập dâng, …). Qua việc triển khai các chương trình đã tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ khoa học của địa phương nâng cao trình độ nghiên cứu, giúp doanh nghiệp và người sản xuất tiếp cận với các kĩ thuật tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm có chất lượng cho xã hội. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Lê Ngọc Hưng cũng chỉ ra hạn chế mà chương trình cần khắc phục trong thời gian tới, đó là việc kết nối giữa các cơ quan khoa học, cơ quan quản lí và địa phương cần chặt chẽ và thường xuyên hơn nữa. Ông cũng khẳng định, Lào Cai mong muốn Chương trình Tây Bắc tiếp tục triển khai nhiều đề tài/ dự án/ mô hình tại địa phương hơn nữa trong thời gian tới. Lào Cai cần khoa học công nghệ để phát triển bền vững và toàn diện.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai Phạm Thị Hồng Loan cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đều nhất trí cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, tiến tới xã hội 5.0, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào mọi hoạt động của tỉnh là nhu cầu cấp bách. Lào Cai cần ứng dụng KHCN để tạo ra giống cây, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, sức chống chịu tốt; công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp; tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tại một số khu công nghiệp; các công nghệ cảnh báo ô nhiễm, cảnh báo sạt lở, cảnh báo cháy rừng; các khuyến nghị về quản lí và phát triển bền vững mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng, …

Kể từ khi triển khai Chương trình Tây Bắc, đội ngũ cán bộ khoa học của Chương trình đã có nhiều đóng góp khoa học góp ý hoàn thiện Báo cáo Đại hội Đảng bộ của tỉnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; tư vấn xác định chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp cho các địa phương; phát triển văn hóa – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, có 5 đề tài/dự án tỉnh Lào Cai đặt hàng triển khai tại địa bàn tỉnh: “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp nâng cao hiệu quả các công trình đập dâng vùng Tây Bắc”; “Giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc”; “Nghiên cứu tạo thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng sử dụng một số dược liệu trồng ở vùng Tây Bắc (cám lúa gạo, ý dĩ, đảng sâm, bạch truật, hoài sơn,…)”; “Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ cây bán chi liên (Scutellaria Barbata), Bạch hoa xà thiệt thảo (hedyotis diffusa) và nấm linh chi (Ganoderma lucidus) tại Lào Cai và vùng Tây Bắc” và dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng và ứng dụng mô đun nông nghiệp công nghệ cao – điện mặt trời phục vụ phát triển nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái tại tỉnh Lào Cai – Tây Bắc” (pha 2).

Cùng với đó, có 5 đề tài do các nhà khoa học triển khai tại tỉnh Lào Cai: “Xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững theo lĩnh vực và theo lãnh thổ vùng Tây Bắc”; “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành hải quan, ngoại vụ, du lịch và biên phòng thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc”; “Xây dựng thành công được mô hình phát triển du lịch sinh thái theo hướng phát triển bền vững vùng Tây Bắc cho mô hình tại xã Nghĩa Đô – huyện Bảo Yên – tỉnh Lào Cai”; “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu ô đầu, ý dĩ, tam thất, đan sâm ở vùng Tây Bắc”; “Ứng dụng  các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển nguồn nguyên liệu và tạo  sản phẩm từ hai loài thuốc sâm vũ diệp và tam thất hoang vùng Tây Bắc: đã triển khai xây dựng mô hình trồng sâm vũ diệp tại huyện Sapa, Lào Cai”.

Chương trình Khoa học và Công nghệ Phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) là chương trình có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.

Đại học Quốc gia Hà Nội được giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Chương trình từ năm 2013 đến năm 2018. Ban Chủ nhiệm Chương trình gồm 11 người do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN – làm Chủ nhiệm.

Giai đoạn 2013 – 2018, có 58 đề tài, dự án đã và đang triển khai 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Mục tiêu của Chương trình Tây Bắc gồm:  1. Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; 2. Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế – xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc;  3. Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; 4. Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Nguồn: VNU Media – http://vnu.edu.vn

Tin Liên Quan