Ngày 9/5/2019, Khoa Địa chất, Trường Đại học KHTN, ĐHQGHN đã tiếp đón và làm việc với GS. James Ogg, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Trái đất của trường Đại học Công nghệ Chengdu (Trung Quốc) và Đại học Purdue (Hoa Kỳ). GS. James Ogg là đại diện nhóm nghiên cứu hợp tác quốc tế về Cổ địa lý thuộc dự án xây dựng Atlat Cổ địa lý khu vực Đông Á.
Thành phần của buổi làm việc gồm có đại diện ban lãnh đạo Khoa và cán bộ Khoa Địa chất, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Địa tầng, Cổ sinh, Cổ Địa lý thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam và Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam.
TS. Nguyễn Thùy Dương – Phó trưởng Khoa Địa chất, phát biểu chào mừng Đoàn công tác của trường Đại học Chengdu và hi vọng đoàn sẽ thu được kết quả tốt nhất trong đợt công tác này và tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác trong tương lai. Bên cạnh đó Khoa Địa chất và trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đoàn làm việc hiệu quả.
TS. Nguyễn Thùy Dương, Phó trưởng Khoa Địa chất, giới thiệu nội dung buổi họp
Đại diện đoàn công tác, GS. James Ogg đã trình bày nội dung, mục tiêu của dự án, trao đổi hợp tác giữa 2 bên trong tương lại và kế hoạch làm việc cụ thể tại trường Đại học Khoa học tự nhiên từ ngày 9/5/2019 đến ngày 16/5/2019.
GS. James Ogg giới thiệu về các thành viên chính tham gia trong dự án
Các mục tiêu chính của dự án xây dựng Atlas cổ địa lý khu vực Đông Á
Sau đó, GS. Tống Duy Thanh, đại diện nhóm nghiên cứu Việt Nam, trình bày khái quát về các Phân vị địa tầng Devon của Việt Nam và đối sánh với Lào, Campuchia và Trung Quốc.
GS. Tống Duy Thanh trình bầy tại buổi làm việc
Trong các ngày làm việc tiếp theo từ ngày 9/5/2019 đến 16/5/2019, đoàn nghiên cứu đã trực tiếp trao đổi lấy ý kiến chuyên gia về đặc điểm địa chất, địa tầng của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử Trái Đất.
GS. Tống Duy Thanh, chủ biên cuốn sách Các phân vị Địa tầng Việt Nam giới thiệu các nét chính về Địa tầng của Việt Nam và đối sánh với khu vực Trung Quốc.
GS. Trần Văn Trị, Tổng hội Địa chất Việt Nam, giới thiệu về các Địa tầng tiền Cambri, Paleozoi sớm của Việt Nam và vùng lân cận.
GS. Tạ Hòa Phương trao đổi và giới thiệu về các Địa tầng Devon của Việt Nam và vùng lân cận.
TS. Đặng Trần Huyên, Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam, giới thiệu về các Địa tầng Paleozoi muôn, Mesozoi của Việt Nam và vùng lân cận.
GS. Trần Nghi giới thiệu về các thành tạo Cenozoi – Đệ tứ trên đất liền và các bồn trũng khu vực Biển Đông Việt Nam.
PGS. Nguyễn Văn Vượng giới thiệu về Cấu trúc, Kiến tạo và các chu kì tạo núi chính của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày 13/5/2019, thông qua sự giới thiệu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đoàn công tác của GS. James Ogg đã có buổi làm việc với Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam về các nội dung, mục tiêu của dự án xây dựng Atlat cổ địa lý khu vực Đông Á. TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đánh giá cao những nội dung và mục tiêu hướng đến của dự án và Tổng cục sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho việc hợp tác, trao đổi trong tương lai.
TS. Quách Đức Tín, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế phát biểu tại buổi làm việc
Xen kẽ với những ngày làm việc căng thẳng và khẩn trương, Đoàn công tác có chuyến đi khảo sát, thăm quan các đảo đá vôi, hang động trên Vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới. Qua đây, đoàn công tác xin chân thành cảm ơn bạn Lê Thị Hồng Vân, sinh viên lớp K60 QLTNTN đã hỗ trợ đoàn trong suốt chuyến thăm quan, trên cơ sở vận dụng trục tiếp kết quả của khóa luận tốt nghiệp vào hoạt động du lịch với đề tài “Nghiên cứu đánh giá điều kiện hình thành và giá trị của một số điểm di sản địa chất khu vực Vịnh Hạ Long và đề xuất giải pháp khai thác phục vụ phát triển du lịch”.
GS. James Ogg chăm chú quan sát và ghi lại đặc điểm thành phần và hóa thạch trong đá vôi khu vực Hạ Long
GS. James Ogg và TS. Gabriela Ogg thăm quan đảo Ti-tốp trên Vịnh Hạ Long
Chiều ngày 17/5/2019, Kết thúc buổi làm việc cuối cùng, Đoàn công tác đã đến gặp mặt và gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Lãnh đạo Khoa Địa chất, Ban Giám hiệu trường Đại học KHTN, ĐHQGHN, các nhà Khoa học đã tạo điều kiện tốt nhất cho Đoàn làm việc trong suốt thời gian ở Việt Nam. Với những kết quả khả quan thu được trong một tuần làm việc tại Việt Nam, GS. James Ogg khẳng định sẽ quay trở lại trong thời gian sớm nhất để hoàn thành những nội dung nghiên cứu của dự án và bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong cả đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đoàn công tác của GS. James Ogg chụp ảnh lưu niệm tại cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN