Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa từ chất thải rắn sinh hoạt

Ô nhiễm chất thải nhựa (CTN) ngày càng trở thành vấn đề môi trường nghiêm trọng, đặc biệt đối với môi trường và hệ sinh thái biển. Mặc dù đã ban hành nhiều chính sách để quản lý và giảm thiểu CTN, nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức trong quản lý loại chất thải này. Trong đó, có sự thiếu hụt thông tin toàn diện về tình phát sinh CTN từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) để ban hành các chính sách quản lý và giám sát tài nguyên môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái biển. Nhóm các nhà khoa học thuộc Bộ môn Địa chất môi trường và PTN Trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó Biến đổi khí hậu, khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã thực hiện nghiên cứu để làm rõ tình hình phát sinh, thu gom, tái chế và xử lý CTN từ CTRSH; đánh giá công tác quản lý CTN và đề xuất một số kiến nghị và giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm CTN trên toàn quốc.

Hiện trạng phát sinh CTN được tính toán bằng mô hình dòng chất thải từ nguồn phát sinh, hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và xử lý. CTN thất thoát vào môi trường từ các nguồn không được thu gom, từ quá trình tái chế, từ các bãi chôn lấp sẽ di chuyển theo các dòng chảy và đi vào môi trường nước (sông, suối, ao hồ, biển,…), gây ra các tác động đến môi trường (đất, nước, trầm tích, không khí), hệ sinh thái, sức khỏe con người và KT-XH bằng nhiều con đường khác nhau. Trên cơ sở phân tích hiện trạng quản lý CTN để nhận định các thách thức làm cơ sở để đề xuất các phương hướng và giải pháp quản lý, giảm thiểu CTN hiệu quả.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam cung cấp đầy đủ, toàn diện về tình hình phát sinh CTN trên toàn quốc và các tác động đến môi trường và hệ sinh thái. Các nhà khoa học, sinh viên và học viên sau đại học có thể tham khảo báo cáo này để phát triển các nghiên cứu liên quan đến quản lý và giám sát tài nguyên môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái biển và phát triển bền vững.

Công trình nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” và được hỗ trợ các nguồn số liệu về tình hình phát sinh CTRSH từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Báo cáo đầy đủ có thể lấy tại đường link sau: https://vietnam.panda.org/?382295/Bao-cao-tinh-hinh-phat-sinh-cht-thi-nha-nm-2022

Hình 2. Ô nhiễm chất thải nhựa ở bờ biển xã Giao Hải, tỉnh Nam Định

 

Hình 3. Cán bộ và sinh viên khoa Địa chất, trường ĐHKHTN thực hiện các hành động giảm rác thải nhựa đại dương tại bờ biển xã Giao Hải, tỉnh Nam Định năm 2022

Tin Liên Quan