HAI NĂM LIỀN GIÀNH GIẢI NHẤT NCKH VÀ THIẾT BỊ CẢNH BÁO TRƯỢT LỞ: made by “Thuyền trưởng Mũ Rơm”

🔥HAI NĂM LIỀN GIÀNH GIẢI NHẤT NCKH VÀ THIẾT BỊ CẢNH BÁO TRƯỢT LỞ: made by “Thuyền trưởng Mũ Rơm”

💡Nghiên cứu “Ứng dụng học sâu trong xây dựng mô hình hệ thống quan trắc dịch chuyển mái dốc tự động trên nền tảng IoT” do sinh viên Thái Văn Đức (K66, Công nghệ Quan trắc và Giám sát Tài nguyên Môi trường, Khoa Địa chất) và Trần Thanh Vũ (K66, Kỹ thuật Điện tử và Tin học, Khoa Vật lý) thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Dương Thị Toan đã xuất sắc giành giải Nhất 🏆 Nghiên cứu khoa học sinh viên (NCKH SV) Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2025 – trở thành một trong 12 công trình tiêu biểu được vinh danh tại Hội nghị.

🎤 Đồng thời, công trình cũng được trao giải Nhì “Báo cáo hay nhất” tại phiên toàn thể Hội nghị NCKH sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2025 – ghi nhận không chỉ ở chất lượng nghiên cứu mà còn ở khả năng trình bày, truyền tải khoa học của nhóm tác giả.

🌟Đặc biệt, đây là năm thứ hai liên tiếp Thái Văn Đức giành giải Nhất cấp Trường – một thành tích hiếm gặp, ghi dấu hành trình học thuật kiên trì và đầy sáng tạo của chàng trai đến từ Đà Nẵng. Không chỉ vậy, các ý tưởng nghiên cứu của Đức đều xuất phát từ chính những bài thực hành trong các học phần tại #Khoa Địa chất – nơi đã truyền cảm hứng và mở ra hướng tiếp cận khoa học gắn với thực tiễn ngay từ trên ghế nhà trường.

📌Khởi đầu từ bài thực hành – Đam mê công nghệ được nuôi dưỡng

“Theo học ngành Công nghệ Quan trắc và Giám sát Tài nguyên Môi trường từ năm 2021 là cơ hội quý giá để em hiểu rõ hơn về các vấn đề Trái đất, Môi trường, thiên tai và khám phá những công nghệ có thể giúp ứng phó với chúng” – Thái Văn Đức chia sẻ.

Ngay từ năm 3, Đức cùng các bạn trong lớp bắt đầu tiếp cận với những học phần ứng dụng như “Hệ thống quan trắc thời gian thực TNMT; Hệ thống cảm biến, mạng lưới quan trắc và giám sát TNMT; Ứng dụng máy học trong GS TNMT“. Từ đó, nhóm thực hiện đề tài đầu tay: “Xây dựng mô hình hệ thống quan trắc và giám sát một số chỉ số ô nhiễm môi trường trên nền tảng IoT”, giành giải Đặc biệt cấp Khoa Địa chất và giải Nhất cấp Trường năm 2024 – mở đầu cho hành trình nghiên cứu đầy cảm hứng.

📌Từ giảng đường đến thực địa – Thiết kế thiết bị vì cộng đồng

Dấu mốc quan trọng tiếp theo đến khi Đức tham gia học phần “Giám sát Tai biến thiên nhiên” do TS. Dương Thị Toan giảng dạy. Từ bài giảng đến thực hành, từ phòng lab đến thực địa tại Mù Cang Chải (Yên Bái), Đức tận mắt thấy các trạm quan trắc sạt lở hiện trường – hầu hết đều do tổ chức quốc tế như JICA tài trợ và có chi phí rất cao.

Từ trăn trở về tính ứng dụng thực tế và khả năng nhân rộng, Đức bắt đầu chế tạo một hệ thống quan trắc giá rẻ, bao gồm gầu đo mưa (thiết bị đơn giản thu thập lượng mưa) và cảm biến dịch chuyển mái dốc. Dù còn ở dạng nguyên mẫu, thiết bị đã hoạt động ổn định và có thể tiến tới thử nghiệm thực tế sau khi gắn thêm các modul truyền dữ liệu.

📌Kết nối liên ngành – Sinh viên chủ động làm chủ sản phẩm

Với tính chất liên ngành, đề tài tích hợp kiến thức từ điện tử, tin học, địa chất và khí tượng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên. Sinh viên Vật lý Trần Thanh Vũ đã đảm nhiệm phần kỹ thuật và kết nối các cảm biến, trong khi Đức phụ trách các yếu tố địa chất, ứng dụng thuật toán và mô hình học sâu, kết nối dữ liệu. Nhóm không chỉ vượt qua thách thức kỹ thuật và tài chính, mà còn chủ động kết nối chuyên gia từ Viện Địa chất, chính quyền địa phương tỉnh Yên Bái để xin góp ý, thử nghiệm và hoàn thiện thiết kế.

📌Giải thưởng không phải đích đến, mà là động lực phục vụ cộng đồng

Không dừng lại ở một công trình nghiên cứu sinh viên, đề tài của Đức và Vũ mang khát vọng đóng góp giải pháp quan trắc sớm nguy cơ trượt lở cho những khu vực miền núi còn thiếu thiết bị cảnh báo. “Em hy vọng thiết bị có thể được hoàn thiện, mở rộng và đưa vào ứng dụng thực tế để góp phần bảo vệ cộng đồng trước thiên tai” – Đức bày tỏ.

🎓 GÓC NHÌN TỪ GIẢNG VIÊN VÀ HỘI ĐỒNG: Khoa Địa chất đã không bỏ sót một sinh viên tài năng

🎯TS. Nguyễn Văn Hướng, Phó Trưởng Khoa Địa chất, chủ tịch của một trong các Tiểu ban chấm báo cáo NCKH sinh viên cấp Khoa năm 2024 và 2025 và thành viên hội đồng chấm báo cáo cấp Trường năm 2025, chia sẻ:

“Năm 2024, Khoa Địa chất tổ chức 3 tiểu ban chấm báo cáo NCKH sinh viên. Báo cáo của nhóm Thái Văn Đức không phải là báo cáo có điểm trung bình cao nhất trong Tiểu ban, nhưng được Hội đồng đề xuất trao giải Đặc biệt – một hạng mục vốn không có trong cơ cấu giải thưởng ban đầu. Lý do là nhóm đã có sản phẩm thiết bị hoàn chỉnh, hoạt động ổn định đúng như tuyên bố trong báo cáo, điều hiếm thấy ở cấp độ sinh viên Khoa.”

Mặc dù giải thưởng gây một số tranh luận nội bộ, quyết định này đã góp phần khích lệ tinh thần nghiên cứu sáng tạo thực chất – điều mà NCKH sinh viên luôn hướng đến.

Sang năm 2025, Thái Văn Đức tiếp tục phát triển ý tưởng mới trong một học phần khác về tai biến thiên nhiên – và lần này kết hợp với một sinh viên Khoa Vật lý, dưới sự hướng dẫn chính của một giảng viên khác và được đánh giá bởi một Tiểu ban chấm báo cáo khác. Báo cáo của nhóm không chỉ đạt điểm cao nhất Tiểu ban, mà còn có điểm số cao nhất toàn Khoa năm 2025. Đồng thời, nhóm cũng giành giải hạng Nhất cấp Trường năm thứ hai liên tiếp, và được trao giải Nhì Báo cáo hay nhất tại phiên toàn thể năm 2025.

“Trường hợp của Thái Văn Đức cho thấy: với đam mê, tinh thần chủ động và năng lực sáng tạo, sinh viên hoàn toàn có thể đạt thành công lớn, dù thay đổi chủ đề, người hướng dẫn hay cách tiếp cận. Những báo cáo xuất sắc của Khoa Địa chất năm nay đều phản ánh một xu hướng rõ ràng: thành công không phụ thuộc hoàn toàn vào thầy cô hướng dẫn, mà là kết quả của sự nỗ lực từ chính các em sinh viên.” – TS. Hướng nhấn mạnh.

🎯 PGS.TS. Lưu Việt Dũng – Giảng viên hướng dẫn đề tài NCKH của Thái Văn Đức năm 2024:

“Ngay từ những buổi trao đổi ban đầu, tôi đã nhận thấy ở Đức và nhóm nghiên cứu một tinh thần chủ động và say mê đáng khích lệ. Điều đặc biệt ấn tượng là em đã thể hiện khả năng tự học và làm việc nhóm hiệu quả khi tìm hiểu, thiết kế và lập trình và vận hành thiết bị quan trắc môi trường không khí tự động theo thời gian thực trong đề tài nghiên cứu năm 2024. Vai trò của giảng viên hướng dẫn trong nghiên cứu này tập trung vào hỗ trợ xây dựng mục tiêu nghiên cứu cụ thể và định hướng các giải pháp kỹ thuật phù hợp với năng lực thực tế của sinh viên.”

“Nhóm nghiên cứu, với sự đóng góp tích cực của Đức, đã phát triển thành công một hệ thống thiết bị hoàn chỉnh, đã được hiệu chuẩn và chứng minh khả năng hoạt động thực tế với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Đặc biệt, những nỗ lực của nhóm đã được ghi nhận thông qua việc xuất bản 01 báo cáo tại Hội nghị khoa học quốc tế về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khoa học trái đất EME 2024. Thành quả này đến từ năng lực tự học, khả năng tích hợp kiến thức và sự sáng tạo linh hoạt của Đức cùng các thành viên khác trong nhóm. Với nền tảng kiến thức tốt, tư duy hệ thống và khả năng không ngừng học hỏi, tôi tin rằng nếu tiếp tục được phát triển trong môi trường phù hợp, Thái Văn Đức sẽ là một gương mặt đầy triển vọng trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào quan trắc môi trường và cảnh báo thiên tai trong tương lai.”

🎯 TS. Dương Thị Toan – Giảng viên hướng dẫn 2025, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về tai biến trượt lở đất quy mô lớn tại miền núi phía Bắc:

“Thiết bị mà Thái Văn Đức thiết kế là một ví dụ điển hình cho cách sinh viên có thể sáng tạo thiết kế các công cụ ứng dụng trong thực tiễn. Dù còn đơn giản ở cấp độ sinh viên, nhưng thiết bị đã tích hợp được các chức năng cơ bản trong giám sát trượt lở – từ cảm biến đo mưa đến cảm biến dịch chuyển mái dốc. Thực hiện nghiên cứu giúp sinh viên tích hợp được kiến thức nền tảng của Địa chất, Địa kỹ thuật với kiến thức liên ngành và trên nền tàng IoT. Dữ liệu đo thực của hệ thống được lưu trữ, truyền tải và hiện thị dễ dàng theo dõi, đồng thời có giá thành hợp lý”

“Hệ thống này sẽ tiếp tục hướng dẫn thử nghiệm trên các mô hình mái dốc để hoàn thiện, hướng tới phát triển các thiết bị cảnh báo sớm đơn giản, giá rẻ nhưng hiệu quả, do chính sinh viên và nhà trường nghiên cứu thực hiện – điều rất có ý nghĩa trong việc tăng cường kiến thức cộng đồng, tăng cường giám sát tai biến trượt lở ở các khu vực miền núi.”

🌟 LỜI KẾTTừ bài học nhỏ đến giấc mơ lớn

Câu chuyện của Thái Văn Đức không chỉ là hành trình của một sinh viên yêu thích công nghệ, mà còn là lời khẳng định: nếu bạn dám bắt đầu từ một bài thực hành nhỏ, biết đặt câu hỏi lớn, và không ngại thử nghiệm – bạn hoàn toàn có thể tạo ra thứ gì đó mang giá trị thật sự cho cộng đồng.
📚 Bạn đã sẵn sàng viết nên câu chuyện của chính mình tại Trường ĐHKHTN chưa?

 

👤 Bio: Thái Văn Đức

🧭 Avatar: Monkey D. Luffy – thuyền trưởng băng Mũ Rơm, luôn hướng tới tự do và khám phá!

👠Models: Thùy Trang, Diệu Linh

 Thiên Thảo

 H.N.

Tin Liên Quan