Quỹ NAFOSTED tài trợ nghiên cứu TRẦM TÍCH HỒ-CỔ KHÍ HẬU TÂY NGUYÊN

🌈Quỹ NAFOSTED tài trợ nhóm nghiên cứu mạnh về TRẦM TÍCH HỒ-CỔ KHÍ HẬU TÂY NGUYÊN
🌻Trong tuần qua, Nhóm nghiên cứu về trầm tích hồ và cổ khí hậu (EOS group) Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN đã lập được hai dấu mốc quan trọng:
(1) Thu thập nguyên dạng lõi trầm tích hồ đạt tới độ sâu kỷ lục 55 m trong trầm tích, dự đoán cho tuổi 120-150 ngàn năm.
(2) QUỸ NAFOSTED chính thức thông báo tài trợ cho nhóm EOS ở dạng đề tài nghiên cứu cơ bản do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện.
🍀Tháng 12/2024, Nhóm nghiên cứu gồm các thành viên Khoa Địa chất và đối tác tại ĐH Indiana (Hoa Kỳ) đã tiến hành khảo sát hồ núi lửa Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Mục tiêu của đoàn nhằm thu thập nguyên dạng các lõi trầm tích tầng sâu để nghiên cứu cổ khí hậu. Sau hơn 2 tuần làm việc liên tục, nhóm đã thành công trong việc thu thập các lõi trầm tích có chiều sâu tổng cộng đạt tới 55 m trong trầm tích. Đây có thể coi là kỳ tích chưa từng có ở Việt Nam.👏 👏 👏
Thành tích này vượt qua kỷ lục 25 m trước đó của nhóm đạt được tại Biển Hồ năm 2021, cho niên đại 57 ngàn năm. Dự đoán lõi trầm tích mới thu thập được sẽ cho phép cung cấp dữ liệu liên tục về cổ khí hậu khu vực Tây Nguyên Việt Nam trong khoảng 120-150 ngàn năm đã qua, góp phần quan trọng vào dữ liệu toàn cầu về lịch sử gió mùa, kéo dài qua hơn một chu kỳ băng hà lớn của Trái đất.
🌿Ngay sau chuyến thực địa, tin vui lại đến với nhóm EOS. Ngày 20/12/2024, Quỹ NAFOSTED chính thức thông báo tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên cho các nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện từ năm 2025. Trường ĐHKHTN có 5 nhóm nghiên cứu được tài trợ, trong đó có đề tài về cổ khí hậu và sức khỏe của các hồ ở Tây Nguyên do TS. Nguyễn Văn Hướng làm chủ nhiệm. Đây là ghi nhận quan trọng trong tiến trình phát triển của Nhóm EOS, tạo cơ sở xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về trầm tích hồ và cổ khí hậu tại Khoa Địa chất trong tương lai.
🌻TS. Nguyễn Văn Hướng cho biết: “Để đạt tới 55 m trong trầm tích, chúng tôi đã trải qua gần 10 năm nghiên cứu và phát triển trang thiết bị lấy mẫu trầm tích. Khác với các công tác khoan địa chất-địa chất công trình truyền thống, nghiên cứu cổ khí hậu từ trầm tích bở rời như các trầm tích hồ ở Tây Nguyên đòi hỏi độ phân giải cao, nên yêu cầu cần phải lấy lõi trầm tích liên tục. Khi mực nước hồ sâu 20 m, điều kiện làm việc cũng hoàn toàn khác trên cạn. Các giàn khoan của các tổ chức khoan lục địa và đại dương quốc tế (ICDP và IODP) có thể dễ dàng đạt đến độ sâu 500 m trong trầm tích, như hồ Towuti ở Indonesia, nhưng chi phí lên tới hàng triệu USD cho một chuyến khảo sát.
Hơn nữa Biển Hồ được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt nên không thể triển khai các giàn khoan lớn. Các hệ thống thiết bị sử dụng cho các hồ nhỏ như Biển Hồ do nước Đức sản xuất có thể đạt đến độ sâu khoảng 100 m, nhưng giá của một bộ thiết bị cũng không hề thấp. Do không có điều kiện tiếp cận các bộ thiết bị của nước ngoài, chúng tôi đã tự chế tạo và dần cải tiến các thiết bị lấy mẫu.
Năm 2015-2016, nhóm chỉ lấy được lõi trầm tích sâu khoảng 1 m. Đến năm 2017-2018 dần đạt đến độ sâu 4 m, 6 m và 15 m. Tháng 4/2021, chúng tôi đạt đến độ sâu 25 m. Năm 2024, với sự cải tiến vượt bậc về kỹ thuật và thiết bị, chúng tôi đã đạt đến độ sâu 55 m. Các cải tiến khiến đội lấy mẫu vận hành nhanh hơn, khả năng xuyên sâu lớn mà không cần dùng nhiều sức người.
Thiết bị do chúng tôi chế tạo có hai điểm mới tiến bộ vượt bậc, có thể coi là bí quyết công nghệ, so với các bộ thiết bị tương đương hiện có trên thị trường, có tiềm năng để đăng ký sở hữu trí tuệ cũng như công bố trên các tạp chí chuyên ngành.
“Sau đợt thử nghiệm thành công thiết bị mới tại Biển Hồ lần này, khi triển khai đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ từ năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục công tác lấy mẫu tại Biển Hồ nhằm lấy mẫu lõi lưu trữ song song với lõi đã thu thập và kỳ vọng đạt đến độ sâu lớn hơn, cho đến tới hạn của phương pháp hoặc khi tới đá cứng. Ngoài Biển Hồ, chúng tôi sẽ nhắm đến các hồ tự nhiên khác ở Tây Nguyên để đan dày phân bố không gian của dữ liệu cổ khí hậu” – TS. Nguyễn Văn Hướng cho biết thêm.
🎉Thật là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ và phấn đấu bền bỉ của các thành viên nhóm nghiên cứu về cổ khí hậu từ trầm tích hồ Tây Nguyên. Nhiệt liệt chúc mừng thành tựu mới của nhóm EOS !

DCIM100MEDIADJI_0885.JPG

Tin Liên Quan