GS. Tống Duy Thanh và các thế hệ giảng viên, sinh viên Khoa Địa chất
“Tôi sinh ra ở một miền quê Thanh Hóa, nằm giữa đất phát tích của hai vị vua anh hùng trong lịch sử Việt Nam là Lê Hoàn và Lê Lợi”, GS.TSKH Tống Duy Thanh luôn tự hào về quê hương của mình như vậy. Nhưng bản thân ông lại hết sức khiêm nhường, ông không nói về mình, mà cứ kể về thầy giáo của mình – NGND. Nguyễn Văn Chiển, người mà ông coi như “cụ tổ” của ngành Địa chất Việt Nam, rồi kể về ngành Địa chất của ông với sự say mê và niềm tự hào không giấu giếm.
Chàng trai sinh ra ở miền quê hai vua, vốn học đại học về Sinh vật học và đã tốt nghiệp đại học ngành Vạn vật học, nhưng ra trường lại được về công tác tại Bộ môn Địa chất thuộc Khoa Mỏ – Luyện kim, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông là sinh viên khoá đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, niên khoá 1954 – 1956, ngành Vạn vật học. Những người bạn cùng lớp của ông nay là những nhà sinh vật học hàng đầu Việt Nam như các giáo sư Phan Nguyên Hồng, Phan Kế Lộc, Nguyễn Hữu Thước…
“Hành trình đến với Địa chất của tôi cũng kỳ lạ và bất ngờ như việc tìm kiếm được hoá thạch vậy” – GS. Tống Duy Thanh hóm hỉnh cười, rồi ông kể: “Năm 1954, vốn yêu lịch sử, tôi đã nộp đơn thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ban Văn – Sử, nhưng ra đến Hà Nội thì ban này đã thi rồi. Chỉ còn hai ban Toán – Lý – Hoá và Lý – Hoá – Vạn. Vốn mê Lý, tôi xin thi vào ban thứ hai vì chỉ nghĩ đơn giản rằng trong ban này chữ Lý đặt đầu tiên thì Lý sẽ được coi trọng nhất trong ba môn, còn ở ban kia Toán được ưu tiên hàng đầu. Thi đỗ rồi, tôi mới biết ban này chỉ học hai môn Hoá học và Vạn vật học, nên tôi lại đăng ký học Hoá học. Nhưng rồi, tôi lại phải theo sự phân công của tổ chức: Những ai có điểm Vạn vật học cao ở trường cấp III và là đoàn viên thì được phân công học Vạn vật. Thế là tôi theo học Vạn vật học (chủ yếu là Sinh học) và cũng cố học cho thật tốt, những tưởng cuộc đời mình sẽ gắn bó với những định luật tiến hoá của Đác Uyn… Nhưng rồi theo sự phân công, tôi lại bắt đầu học từ đầu những môn cơ bản của Địa chất học dưới sự dìu dắt của thầy Nguyễn Văn Chiển…”.
GS. Tống Duy Thanh thực sự say mê và gắn bó cuộc đời mình với Địa chất có lẽ cũng nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của NGND. Nguyễn Văn Chiển. Ông nói: “Thầy Chiển đã cho tôi thấy được những điều kỳ diệu từ những viên đá tưởng chừng vô tri vô giác. Thầy đã dạy tôi cách “nghe” những hòn đá nói”. Bây giờ, tuy ông đã là một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Cổ sinh – Địa tầng, ông vẫn nhớ như in những ngày đầu thầy Chiển đã truyền cho ông niềm say mê ngành khoa học đầy những bất ngờ và thú vị này. Là một môn khoa học cơ bản, địa tầng học có vai trò đặc biệt quan trọng trong Địa chất học và trong các đời sống nói chung. Khoa học này sẽ giúp nghiên cứu các lớp, các tầng đá, quy luật hình thành và mối quan hệ giữa chúng của vỏ Trái đất. Thật tuyệt vời khi nghiên cứu một mẫu hoá thạch rồi xác định được chúng ở vào thời kỳ nào của sự hình thành Trái đất. Một mẫu đá, mỗi hoá thạch có thể nói lên rất nhiều điều…
“Muốn đi nhiều thì vào Địa chất” – câu nói này đã được lưu truyền từ giữa thế kỷ trước. Đúng là đi nhiều thú vị thật, nhưng chỉ có những nhà địa chất học mới biết đi thực địa khó khăn gian khổ đến thế nào. Đi thực địa để tìm các mẫu đá, các mẫu hoá thạch, xác định tuổi của các tầng đá và mối quan hệ giữa chúng với nhau không hề đơn giản như đi du lịch. Nếu không có niềm say mê khoa học, những chàng trai tuổi 20 từ thành phố khó có thể chịu được nắng gió, mưa rét, vượt đèo lội suối để ngày lại ngày đuổi theo cấu trúc địa chất, dò tìm những hoá thạch để bắt các tầng đá tự khai về lai lịch và tuổi của chúng. Có những mẫu tình cờ bắt gặp, có những mẫu tìm cả tháng cũng không thấy, chán nản định bỏ về thì lại thấy… mà như vậy thì vẫn còn may lắm rồi. Năm 1960, ông được biệt phái cùng một số ít chàng trai địa chất trẻ Việt Nam nữa tham gia vào đoàn khảo sát đo vẽ bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Ròng rã 3 năm trời, cứ mùa đông lại tới các vùng có trầm tích Paleozoi từ Lai Châu, Sơn La đến Hoà Bình, Việt Bắc với những mặt cắt địa chất ở lưu vực sông Đà, ở Việt Bắc; mùa hè lại sang Liên Xô phân tích, xử lý số liệu. Nhiều nhà địa chất trẻ Việt Nam ngày ấy, nay đã là những nhà địa chất nổi tiếng như Bùi Phú Mỹ, Nguyễn Xuân Bao, Trần Đức Lương, Trần Văn Trị, Vũ Khúc v.v.
Kết thúc thời gian biệt phái tham gia lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam, ông lại trở về với bục giảng ở trường đại học, đồng thời tiếp tục cộng tác trong công tác nghiên cứu chuyên đề, lại lặn lội với núi rừng để tham gia công tác lập bản đồ địa chất tỷ lệ lớn hơn của miền Bắc và của toàn quốc sau ngày thống nhất đất nước. Bản đồ địa chất toàn quốc tỷ lệ 1: 500 000 (do Tổng Cục Địa chất thực hiện) được hoàn thành năm 1988, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế đất nước và năm 2005 công trình này đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, GS. Tống Duy Thanh cũng nhận được giấy chứng nhận cùng lời cảm ơn với tư cách là cố vấn khoa học và cộng tác viên của công trình.
Những kinh nghiệm thực địa từ thời gian biệt phái và cả thời gian lập bản đồ địa chất toàn quốc được ông truyền lại cho sinh viên của mình. Ông cùng đồng nghiệp và sinh viên leo núi băng rừng, tìm tòi những mẫu vật quý, định tuổi các tầng đá và lý giải lịch sử cấu trúc địa chất. Có khi phải ngủ lại trong rừng, có khi nghỉ đêm trên đỉnh núi. Vất vả là thế, nhưng phàm đã là học trò của thầy Thanh thì ai cũng say mê học tập, say mê tìm hiểu, khám phá… Bởi bên cạnh các em luôn có một tấm gương sáng mẫu mực lúc nào cũng theo sát, động viên, khích lệ các em, truyền cho các em niềm say mê như người thầy khi xưa đã truyền cho ông. Ngoài giờ học, ông có thể nói chuyện rất vui vẻ, cởi mở, nhưng trong giờ học, ông rất nghiêm khắc. Ông đòi hỏi rất cao ở sinh viên của mình sự cẩn thận, chỉn chu, kiên trì, phương pháp làm việc khoa học. Chính vì tấm lòng chân thành của ông luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho sinh viên nên giờ học bao giờ cũng hấp dẫn, bao giờ cũng được các em sinh viên háo hức chờ đón. Đối với một người thầy, đây là một niềm hạnh phúc không gì sánh nổi.
GS. Tống Duy Thanh là người đã tạo điều kiện, nâng đỡ, dìu dắt nhiều anh em trẻ có triển vọng phát triển trên con đường khoa học. Ông tạo cho các bạn trẻ có cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Và thực tế đã không phụ ông. Nhiều sinh viên được ông kỳ vọng nay đã trưởng thành, giữ nhiều vị trí quan trọng ở Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như trong ngành Địa chất.
Còn nhớ những năm 60 của thế kỷ trước, do chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, thầy trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội kéo nhau về Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) để dạy và học. Thời chiến tranh nhiều khó khăn, lại thêm cách làm ăn không tốt nên bữa ăn của sinh viên thường không đủ no, cái đói đã ngăn cản việc dạy học của thầy trò. Trước tình hình đó, năm 1967 ông nhận lời đề nghị của thầy Chiển để vừa làm thầy trên bục giảng vừa làm quản lý nhà ăn của Khoa, nhằm tìm cách “chống đói” cho học trò của mình. Hai tháng làm quản lý nhà ăn của ông đủ chứng minh một điều rằng chỉ cần có một cái tâm trong sáng và lòng thương yêu học trò, thì cũng với số tiền như trước, nhà ăn sẽ đem lại sự “no bụng” cho lứa sinh viên đang độ tuổi ăn không biết no.
GS. Trần Nghi, một đồng nghiệp lớp sau của ông và cũng là một trong số sinh viên thuở sơ tán ở Thái Nguyên ngày trước, đã nhận xét: “Thầy Tống Duy Thanh là một nhà khoa học tự học và có một định hướng khoa học rất rõ ràng. Thầy thực sự là một nhà giáo mẫu mực“. GS. Tống Duy Thanh tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực Cổ sinh địa tầng. Ông còn là một người rất có năng khiếu về ngoại ngữ. Ông tự học và đã thành thạo rất nhiều ngoại ngữ như Nga, Anh, Pháp.
Công trình khoa học đầu tiên của ông được hoàn thành năm 1963, sau 2 năm tích luỹ kiến thức ở Liên Xô (1961 – 1963). Ông tranh thủ viết công trình này trong thời gian được biệt phái tham gia đoàn đo vẽ bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam. Đây là một chuyên khảo mô tả tới 90 loài san hô khác nhau, trong đó có 2 giống mới và có tới 23 loài và phụ loài mới. Chuyên khảo này được GS. Tạ Quang Bửu tạo điều kiện xuất bản năm 1967 và được in bằng tiếng Pháp. Cuốn sách dày 300 trang viết về hoá thạch san hô này được các chuyên gia có uy tín đánh giá cao. Đến năm 1977, khi ông sang Liên Xô, công trình này được đánh giá như một luận án tiến sĩ. Chính vì vậy, chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm (từ cuối năm 1977 đến tháng 4.1978) ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ. Nửa năm sau, ông hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học và bảo vệ thành công vào đầu năm 1979. Ông vẫn nói vui là ông sang Liên Xô làm thực tập sinh và “tranh thủ” bảo vệ luôn 2 bằng. Có lẽ, ông là người giữ kỷ lục về việc hoàn thành và bảo vệ luận án nhanh nhất. Nhưng thực tế, ông đã chuẩn bị cho điều này từ gần 20 năm trước, từ lần đầu tiên sang Liên Xô năm 1961. Chỉ bằng những gì có sẵn, ông đã “cắt gọt, sửa sang” công trình đã xuất bản thành một luận án có số trang phù hợp yêu cầu của hội đồng. Chính vì thế, ông đã được mệnh danh là“người làm luận án bằng kéo“. Luận án tiến sĩ này của ông được hội đồng chấm luận án đánh giá cao như một luận án tiến sĩ khoa học.
Nhắc đến bước đường trưởng thành trong khoa học của mình, GS. Tống Duy Thanh luôn luôn nhớ đến những tình cảm và công lao đào tạo của các nhà địa chất Xô Viết đối với ông. Đó là sự dìu dắt của tiến sĩ khoa học Dovjikov A.E. trong những bước đi chập chững ban đầu khi khảo sát địa chất ở Tây Bắc. Đó là sự hướng dẫn, giúp đỡ đầy nhiệt huyết của các nhà khoa học Nga hàng đầu ở Leningrad, Novosibirsk như Viện sĩ Sokolov B. S. các giáo sư Obut A.M., Dubatolov V.N. v.v. Nhờ có thầy giáo người Nga Sokolov B. S., người trực tiếp hướng dẫn ông, cũng là người duy nhất trong Hội đồng chấm luận án tiến sĩ không đồng ý cho ông dùng “luận án chuẩn bị bằng kéo” để bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Thầy Sokolov nói với ông: “Anh còn trẻ, không việc gì phải vội. Tôi biết anh còn có một công trình khác nữa, tại sao không đưa ra. Cái đó mới thực sự là niềm vinh dự cho anh”. Và theo lời khuyên của thầy Sokolov, ông phải hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học mới trong 4 tháng. Thầy Sokolov thực sự là người hiểu ông, tiếp thêm cho ông sức mạnh để tiến xa hơn trên con đường khoa học. Ông làm việc không kể ngày đêm, dồn hết tâm lực cho luận án, liên tục 4 tháng liền, hàng ngày ông làm việc đến 16 tiếng. Bên cạnh ông có các bạn người Nga chờ ông viết đến đâu là đánh máy, sửa lỗi tiếng Nga cho ông đến đấy. Chính thầy Sokolov đã rèn cho ông cách viết những bài báo khoa học mang tầm quốc tế bằng những đòi hỏi rất cao. Từ một bài viết ngắn, ông phải đọc sách để mở rộng ra với số trang gấp nhiều lần, rồi sau khi đã hài lòng với nội dung lại phải thu ngắn với số trang như cũ. Cứ như thế, vất vả nhưng ông vô cùng biết ơn người thầy đáng kính của mình. Nhờ thầy mà ông đã vững vàng trong hơn 10 tiếng đồng hồ bảo vệ một đề tài nổi tiếng hóc búa với quá nhiều mới mẻ, quá nhiều tranh luận. Thầy Sokolov rất tự hào về cậu học trò người Việt thông minh của mình, đã nói trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học của người học trò đó: “Tôi đọc các công trình nghiên cứu của Tống Duy Thanh từ 16 năm nay. Bây giờ mọi người đều rõ là nhờ có các công trình nghiên cứu của anh, có thể kết luận là hệ thống địa tầng Devon ở Việt Nam được nghiên cứu tường tận nhất. Tôi tin chắc rồi đây công trình này sẽ trở thành mẫu mực đối với ViệtNam. Nghiên cứu này là nền tảng để tiếp tục các cuộc nghiên cứu địa tầng ở Việt Nam“. GS. Tống Duy Thanh đã không thể nén được xúc động khi bài Quốc ca của nước mình mình vang lên giữa hội trường lúc kết thúc buổi bảo vệ luận án ở Phân viện Hàn lâm Khoa học Siberi.
Những cuốn sách ông viết cũng là những biểu hiện trí tuệ ở tầm cao bởi chúng đều rất logic, lớp lang, được trình bày một cách tường minh. Ông rất tường minh trong khoa học cũng như trong cuộc sống. Khi xuất bản một cuốn sách, ngoài chất lượng về nội dung là điều tất yếu, ông còn đặt ra yêu cầu phải chỉnh trang về hình thức, chất lượng in phải tốt và quan trọng nhất là giá thành phải hạ để sách có thể đến tay sinh viên dễ dàng hơn. Ông có thể không cần nhuận bút và dùng số tiền đó để hỗ trợ cho chất lượng sách.
Nghiên cứu Cổ sinh – Địa tầng và xác định tuổi của chúng là cơ sở để giải quyết các vấn đề về địa chất. Theo thuyết Đác Uyn, mỗi giai đoạn trong lịch sử Trái đất đều có một lớp sinh vật khác nhau, tìm được chúng và định tuổi chúng có thể giải quyết rất nhiều vấn đề về quá trình phát triển của sự sống trên Trái đất, về sự chuyển dịch các cơ cấu địa tầng, về sự thay đổi khí hậu, thời tiết trên Trái đất qua các thời kỳ. Ông đã dồn hết tâm sức khoa học cho cuốn sách “Các phân vị Địa tầng Việt Nam” mà ông xuất bản năm 2005 và bằng tiếng Anh (2006). Ông đã xuất bản 10 cuốn sách, trong đó có những cuốn xuất bản bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh; 73 công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Mỗi công trình là một đóng góp quan trọng cho ngành Địa chất Việt Nam nói chung và chuyên ngành Cổ sinh địa tầng nói riêng.
Còn nhớ, khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ông được giao viết lịch sử nghiên cứu địa chất Việt Nam trong công trình “Địa chất Việt Nam (Phần miền Bắc)”. Trong bản thảo được hoàn thành, ông đánh giá khách quan công đóng góp khoa học của những người đi trước, nhưng có ý kiến cho rằng ông đã quá đề cao các nhà địa chất Pháp trong thời kỳ trước năm 1945, do đó bản thảo được giấu tên tác giả và nhờ “cụ Chiển” thẩm định. Cụ Chiển đọc rất kỹ và khẳng định “đây là một bản thảo chuẩn mực, không cần phải chữa gì nữa”.
GS. Tống Duy Thanh chủ trì nhiều đề tài và chương trình cấp Nhà nước (Chương trình 52 E) đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, được áp dụng trong thực tiễn, nhiều công trình của ông mang tầm quốc tế, được giới nghiên cứu Địa chất trên thế giới rất quan tâm.
GS. Tống Duy Thanh cũng là người mở đầu cho hợp tác quốc tế về địa chất với các nước phương Tây. Năm 1990, ông sang Pháp làm cộng tác viên khoa học thay vì đi châu Phi “tìm đường cứu nhà“. Cũng từ đó, ông chủ trì chương trình hợp tác khoa học với nhóm của Viện sĩ Le Pichon (Pháp) và mở đường cho đoàn khoa học Pháp – Việt thám hiểm Biển Đông bằng tàu Atalante của Pháp và hội thảo khoa học quốc tế Hà Nội – Đồ Sơn (1995) về kiến tạo bán đảo Đông Dương.
Hội Địa lý Hoa Kỳ đến nay chỉ mới tài trợ cho 2 đề án liên quan đến Việt Nam. Một đề án về thực vật do Viện Thực vật Lêningrat đề xuất và chủ trì (phía ta có GS. Phan Kế Lộc tham gia). Trước đó, đề án về Cổ sinh – Địa tầng do GS. Tống Duy Thanh đề xuất và hoạt động có kết quả tốt trong 3 năm liền. Tiếp đó là đề án IGCP 306 (IGCP = International Geological Cooperation Project) của UNESCO; cũng do ông đề xuất, nhưng khi được duyệt, ông giao lại cho Tổng cục Địa chất chủ trì (vì họ mới có quân quyền) và ông chỉ làm cố vấn khoa học.
GS. Tống Duy Thanh không chỉ nghiêm túc, chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học, ông còn rất nhiệt tình tham gia các công tác tổ chức, quản lý chuyên môn. Ông được Nhà nước giao trọng trách làm Chủ tịch Hội đồng Học hàm Liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ 2 khóa liền; Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất; Chủ tịch Hội đồng Khoa học Khoa học Trái đất của Chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản trong lĩnh vực tự nhiên. Tập thể khoa học Cổ sinh Địa tầng tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam, Uỷ viên Thông tấn Tiểu ban Devon của Uỷ ban Địa tầng Quốc tế; Uỷ viên Ban biên tập Tạp chí Địa chất, Tạp chí Khoa học Trái đất, Tạp chí Advances in Natural Sciences v.v.
Tròn 50 năm đứng trên bục giảng, GS. Tống Duy Thanh đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng cao quý của Nhà nước và các cấp trao tặng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1990), nhiều bằng khen cùng phần thưởng khác.
Cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS.TSKH Tống Duy Thanh là một tấm gương nổi bật về tinh thần tự học và ý chí vươn lên. Ông là một nhà khoa học nổi tiếng trong chuyên môn của mình, ông sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ, đã từng tham gia công tác quản lý khoa học tốt, nhưng tất cả đều do ông tự học. Ông tự học những kiến thức cơ bản nhất từ những ngày đầu bước chân vào ngành Địa chất, tự học để có thể viết sách bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp để giảng bài cho sinh viên ở các trường đại học nước ngoài.
GS.TSKH.NGƯT Tống Duy Thanh đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng hình như tuổi tác không hề ảnh hưởng đến sức làm việc của ông. Ông vẫn miệt mài trên máy tính hơn 10 giờ đồng hồ mỗi ngày để cập nhật những thông tin mới nhất và viết ra những nghiên cứu bao năm nung nấu, để tổng kết những kinh nghiệm 50 năm trong nghề của mình… Tuổi tác không làm vơi đi niềm say mê khoa học. Ông vẫn tiếp tục tự học, tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục cống hiến cho đời những công trình khoa học có giá trị./.
GS. Tống Duy Thanh, GS. Trần Nghi và GS. Mai Trọng Nhuận trong một buổi tọa đàm Khoa học
GS. Tống Duy Thanh tham dự và góp ý cho sinh viên tại HNKHSV Khoa Địa chất 2019
Theo nguồn: 100 Years-VietNam National University, HaNoi
Các tài liệu, nghiên cứu khoa học Tống Duy Thanh
https://vnu-vn.academia.edu/TongDzuyThanh