Seminar khoa học “ Triển vọng phát triển ngành địa chất dầu khí Việt Nam, định hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên giai đoạn 2020-2025”

Buổi seminar được trình bày bởi PGS. TS. Nguyễn Trọng Tín – Chủ tịch Hội Địa chất Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam; tại phòng hội thảo Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên từ 9h đến 12h sáng ngày 22/03/2019.

PGS.TS. Đinh Xuân Thành, Trưởng Khoa Địa chất khai mạc buổi seminar
PGS.TS. Nguyễn Trọng Tín trình bày tại hội thảo

Đây là hoạt động seminar thường kỳ của Khoa Địa chất với mục đích tạo ra môi trường trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học, giảng viên và cán bộ nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của Khoa.

Tham dự buổi seminar gồm có các nhà khoa học, giảng viên, cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đến từ Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Viện Địa chất, viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Dầu khí Việt Nam.

Nội dung bài trình bày xoay quanh ba nội dung chính: (1) Các kết quả nghiên cứu Địa chất Dầu khí sau 60 năm hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam; (2) Triển vọng phát triển của ngành Địa chất Dầu khí; (3) Định hướng đào tạo và nghiên cứu địa chất dầu khí ở Khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN.

Qua hơn 60 năm hoạt động và phát triển, ngành Địa chất Dầu khí của Việt Nam đã và đang đạt được rất nhiều thành tựu đáng chú ý. Khảo sát địa vật lý gần như đã phủ kín toàn bộ diện tích khoảng 1 triệu km2 thềm lục địa Việt Nam với hơn 600 nghìn km địa chấn 2D và hàng chục nghìn km địa chấn 3D. Hoạt động khai thác dầu khí diễn ra trên khắp thềm lục địa với rất nhiều dự án của cả các nhà thầu trong nước và quốc tế. Các dự án hiện nay tập trung chủ yếu ở phía Nam tại bể trầm tích Cửu Long, Nam Côn Sơn và một phần của bể Malay – Thổ Chu. Mỏ Bạch Hổ thuộc bể trầm tích Cửu Long là một mỏ dầu khí đặc trưng không chỉ của VN mà còn của thế giới về cấu trúc và tiềm năng dầu khí. Dầu được khai thác từ đá móng granit nứt nẻ, theo thống kê hiện nay đã khai thác được hơn 300 triệu tấn dầu, tuy nhiên ước tính mới chỉ đạt khoảng 40% trữ lượng của mỏ. Theo dự tính của các nhà địa chất dầu khí, trữ lượng dầu còn lại tại các bể trầm tích trên thềm lục địa Việt Nam là khoảng 600 đến 700 triệu m3, chủ yếu trong trầm tích cát kết Miocene sớm và đá móng nứt nẻ granit.

Như vậy có thể thấy rằng triển vọng phát triển của ngành dầu khí ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. PGS. TS. Nguyễn Trọng Tín cũng đã chỉ ra rằng việc đào tạo ngành địa chất Dầu khí ở Khoa Địa chất trường ĐHKHTN sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp đội ngũ nhà khoa học, nghiên cứu viên có chất lượng cao góp phần vào sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên PGS. Nguyễn Trọng Tín cũng chỉ ra rằng muốn đạt được như vậy thì Khoa Địa chất cần tập trung đào tạo những vấn đề chính sau: (1) Nghiên cứu cấu trúc, kiến tạo và trầm tích (hoạt động đứt gãy, lịch sử phát triển địa chất, tướng đá và môi trường trầm tích); (2) Nghiên cứu đánh giá hệ thống dầu khí; (3) Đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí và (4) Phân tích các rủi ro địa chất dầu khí trước khi khai thác.

 

GS. TS. Trần Nghi đóng góp ý kiến về phương hướng phát triển địa chất dầu khí tại Khoa Địa chất

Buổi seminar còn nhận được rất nhiều đóng góp ý kiến quý báu từ các nhà khoa học đầu ngành như: GS. TS. Trần Nghi (Chủ tịch Hội trầm tích Việt Nam); TS. Nguyễn Thế Hùng (Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất Dầu khí), và các cựu sinh viên của khoa Địa chất,……

TS. Nguyễn Thế Hùng phát biểu về một số định hướng phát triển địa chất dầu khí tại Khoa Địa chất
TS. Đinh Nho Hùng, cựu sinh viên Khoa Địa chất (hiện đang công tác tại công ty dầu khí CGG, Anh) trao đổi về cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực địa chất dầu khí.

Phát biểu tổng kết buổi seminar Trưởng Khoa Địa chất PGS. TS. Đinh Xuân Thành đã gửi lời cảm ơn đến PGS. TS. Nguyễn Trọng Tín và các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. Hiện nay Khoa đang tập trung việc đào tạo cho sinh viên theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về địa chất dầu khí. Khoa Địa chất cũng xin ghi nhận những góp ý của các nhà khoa học bên cạnh đó cũng mong nhận được sự giúp đỡ, hợp tác từ các cá nhân và đơn vị có liên quan trong việc đẩy mạnh và phát triển đào tạo, nghiên cứu địa chất dầu khí ở Khoa Địa chất.

Các nhà khoa học tham dự seminar chụp ảnh lưu niệm

Tin Liên Quan