HANG NHÙ SANG – ĐIỂM ĐẾN LÝ THÚ TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN

        Nằm trong địa bàn xã Lũng Táo, hang Nhù Sang là một điểm đến lý thú trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên đường đến hang Nhù Sang du khách cũng có dịp ngắm các khối núi đá vôi dạng chóp nón độc đáo, những “rừng đá” với nhiều tháp đá vôi đa dạng và sinh động, những thung lũng và phễu karst sâu hun hút ở xã vùng biên này.

Lối vào hang Nhù Sang Bước chân vào cửa hang

        Trên đường ô tô nối Sà Phìn – nơi có khu di tích Nhà Vương và Lũng Cú – nơi có cột cờ ở cực bắc của đất nước, khi gần đến trung tâm xã Lũng Táo có một đường ô tô mới mở qua bản Nhù Sang. Hang đá cùng tên nằm cách đường ô tô này khoảng 150m, trước khi đến bản. Cửa hang vát chéo theo thế nằm của các lớp của đá vôi có tuổi Carbon cách nay 300 triệu năm.

        Cửa hang thấp hơn một chút so với địa hình xung quanh và ngay sau khi vin vách đá nghiêng người đi vào, du khách đã thấy lòng hang đá mở rộng, có nhiều thạch nhũ đẹp mà trung tâm là một cột đá lớn như cột trụ vững trãi của tòa nhà, chống từ nền đến trần hang. Nhìn cây cột đá và các khối thạch nhũ đẹp bài trí ở khoang cửa hang, du khách có thể tưởng tượng đến bao điều kỳ thú còn chờ đợi phía trong, nơi hang đá phân tầng, phân nhánh, theo những bậc thang sắt đi xuống những độ sâu hun hút.

Những khối nhũ ngoạn mục trong hang Nhù Sang Những giọt nước đang lớn dần, chuẩn bị nhỏ xuống từ chóp đáy của các chuông đá

        Xét về hình loại hang động karst thì hang Nhù Sang thuộc loại hang hóa thạch, còn gọi là hang khô, giống như hầu hết các hang động khác ở Đồng Văn – Mèo Vạc. Nguyên nhân là do các khối đá vôi trùng trùng điệp điệp ở nơi đây nhìn chung nằm cao hơn so với địa hình phi karst ở xung quanh, và nền hang thường nằm cao hơn đáng kể so với mực nước ngầm khu vực. Đá vôi lại là loại đá thường bị nứt nẻ mạnh, nên trong tầng đá có nhiều đường tháo nước đi mất. Cũng vì thế nhiều hang karst trên cao nguyên đá phát triển mạnh theo chiều thẳng đứng, trở thành những lối thoát nước và ít tạo thạch nhũ. Trong bối cảnh đó thì hang Nhù Sang là một ngoại lệ, vì rất nhiều thạch nhũ đã được thành tạo, chen chúc trong không gian khá chật hẹp của hang. Không những thế nhiều thạch nhũ vẫn đang trong quá trình phát triển. Những giọt nước chứa Ca(HCO3)2 vẫn không ngừng tí tách rơi từ chót đáy của chuông đá rủ từ trần hang xuống chóp đỉnh của măng đá mọc từ nền hang, không ngừng cung cấp khoáng vật canxit (Ca CO3) để nuôi dưỡng chúng lớn và dài thêm. Có những vị trí trong hang khi đứng nhìn lên du khách có thể thấy những đốm trắng trên trần hang và ngỡ ngàng nhận ra đó chính là những giọt nước đang lớn dần, chuẩn bị nhỏ xuống. Điều thú vị này không phải ở hang đá nào cũng có thể chiêm ngưỡng.

Thạch nhũ tạo thành bức tranh thiên nhiên hài hòa, tuyệt mỹ Khối nhũ dòng chảy trong hang Nhù Sang

        Hang Nhù Sang không phải là một hang lớn, nhưng điều làm nên sức cuốn hút của nó chính là hệ thống thạch nhũ đẹp mắt, đa dạng và phong phú. Có chỗ thạch nhũ cấu tạo từ các tinh thể canxit tinh khiết, tạo nên những bề mặt lóng lánh như muôn vì sao sa. Có chỗ thạch nhũ có màu trắng muốt, hoặc đan xen với màu nâu, màu vàng, tạo thành những bức tranh thiên nhiên hài hòa, tuyệt mỹ.

Thạch nhũ dạng chùy Thạch nhũ dang củ nhân sâm

        Có thể nói thế giới thạch nhũ trong hang Nhù Sang rất phong phú, thuộc nhiều hình loại. Bên cạnh những măng đá, chuông đá, cột đá thường gặp, trong hang còn gặp khá phổ biến nhũ dòng chảy (flowstone), nhũ rèm, nhũ ống, nhũ rối…

Thạch nhũ dạng trái phật thủ Thạch nhũ hình trái na

        Chuông đá trong hang Nhù Sang thật muôn hình, muôn vẻ. Điều đó được quy định bới thành phần khoáng chất của vật chất tạo nhũ cũng như môi trường kết tủa khoáng chất trong hang. Vì thế, nhìn thạch nhũ hang Nhù Sang du khách có thể mặc sức tưởng tượng, liên hệ chúng với các vật thể có trong tự nhiên khác: Khi thì như trái na, tráí ổi, trái phật thủ, củ nhân sâm, khi thì như các tua của con bạch tuộc, các chân của con sứa đang bơi… Đặc biệt, trong hang Nhù Sang phát triển rất nhiều hình loại nhũ tấm, nhũ rèm (drapery), tạo nên nhiều tấm rèm vắt ngang, vắt chéo, uốn vặn, uốn sóng đẹp mắt. Có những chỗ nhũ rèm xếp khéo trông như cửa một phòng the sang trọng.

Có chỗ nhũ tấm uốn lượn, tạo nên bức tranh ấn tượng đặc sắc Bầu sữa mẹ

        Trong hang Nhù Sang cũng có nhiều nhũ đá dạng trái cây gần tròn. Và một hình ảnh không thể bỏ qua, đó là bầu sữa mẹ vốn là khởi nguồn của tên gọi thạch nhũ trong các hang động karst.

Nhũ đá trong hang Nhù Sang cực kỳ đa dạng

        Một điều lý thú không thể bỏ qua nữa trong hang Nhù Sang, đó là sự có mặt rất phong phú các hình loại nhũ ống (straw). Đây là hệ thống các ống nhũ nhỏ cho nước đi qua trước khi nhỏ giọt xuống nền hang. Thực chất nhũ ống chính là khởi nguyên của hầu hết các loại chuông đá. Nếu vì nguyên nhân nào đó ống nước bị tắc, nước sẽ thấm chảy bên ngoài ống và bắt đầu tích tụ, tao nên các hình dạng khác nhau của chuông đá. Trong hang Nhù Sang có lẽ do trong nguồn nước cung cấp ngoài Ca(HCO3)2 còn chứa nhiều khoáng chất khác, nên đã tạo ra một thế giới thạch nhũ cực kỳ đa dạng. Có chỗ đi qua lòng hang nhìn san bên vách du khách như thấy cả một rừng san hô mọc lên dưới đáy biển, tạo ra một ấn tượng kỳ lạ. Đặc biệt, có chỗ thấy một nhũ ống kéo dài, thẳng tắp như xe điếu rủ xuống từ trần hang nhưng đủ sức tạo nên một măng đá lớn cho đến lúc gặp nhau, hình thành một cột nhũ hình thù kỳ dị có một không hai. Còn rất nhiều thạch nhũ có cấu trúc kỳ lạ khác đang chờ du khách tự mình khám phá, trài nghiệm những phút giây kỳ diệu trong lòng hang Nhù Sang.

Nhũ ống với giọt nước sắp nhỏ xuống Rất nhiều nhũ ống hiện còn đang phát triển trong
hang Nhù Sang

        Các vùng địa hình karst, trong số đó có các hang động, luôn được quan tâm trong định hướng phát triển kinh tế, bởi cảnh quan vùng karst luôn cuốn hút du khách gần xa. Việc khai thác du lịch hang Nhù Sang, xã Lũng Táo chắc chắn sẽ góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác du lịch hang Nhù Sang cần hết sức lưu ý, các cấu trúc nhũ đá tinh xảo trong hang rất dễ bị phá hủy và gần như không có khả năng tái tạo. Do đó, cần có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, để công trình tuyệt mỹ này của thiên nhiên được trường tồn, phục vụ lâu dài cho du khách Việt Nam và quốc tế hôm nay và mai sau.

Cột nhũ với phần trên là nhũ ống có một không hai

 

Tác giả: GS. TS. Tạ Hòa Phương

Khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN

Tin Liên Quan